Biến các lâu đài Pháp trở thành sàn diễn thời trang

Trong tuần vừa qua, nhà thiết kế Hedi Slimane, giám đốc nghệ thuật của hiệu Celine đã tung lên mạng chính thức cũng như trên các mạng xã hội một đoạn phim video dài khoảng 12 phút để giới thiệu bộ sưu tập mới của mình về thời trang phái nữ Thu-Đông. Toàn bộ cuộn phim video đã được quay tại lâu đài Vaux le Vicomte, tọa lạc ở vùng ngoại ô phía nam, cách thủ đô Paris khoảng 40 cây số.

Ngành thời trang hỗ trợ các di sản kiến trúc Pháp

Được khởi công xây cất vào năm 1656, lâu đài Vaux le Vicomte ban đầu là dinh thự của nhà quý tộc Nicolas Fouquet. Còn khu vườn lộng lẫy do kiến trúc sư André Le Nôtre vẽ sơ đồ vào giữa thế kỷ XVII, nay lại trở thành sàn biểu diễn thời trang của các người mẫu chân dài. Trong phần giới thiệu đợt “fashion show”, nhà thiết kế Hedi Slimane cho biết đã chọn Vaux le Vicomte, vì lâu đài nguy nga tráng lệ này là “chiếc nôi” của phong cách Pháp, nhất là vào thời của Vua Mặt trời, dưới ảnh hưởng của triều đại vua Louis XIV : ẩm thực, trang phục, nước hoa cũng như các bộ môn kịch nghệ hay múa ballet đều được nâng lên hàng nghệ thuật…

Đây không phải là lần đầu tiên hiệu thời trang Celine chọn một khung cảnh hoành tráng để đề cao tính sáng tạo của mình, nhưng so với những lần trước, người mẫu thường biểu diễn thời trang ở bên trong hay trên sân rộng có mái che, khu vườn Vaux le Vicomte lại là một sân khấu lộ thiên, không gian rộng mở thông thoáng.

132 1 Bien Cac Lau Dai Phap Tro Thanh San Dien Thoi Trang

Vài tuần lễ trước đó, hiệu thời trang Celine cũng đã từng giới thiệu bộ sưu tập thời trang Thu-Đông của phái nam nhưng lần đó là tại lâu đài Chambord, mà vào năm 2019 từng tổ chức lễ kỷ niệm 500 năm ngày được xây dựng. Cuộc biểu diễn thời trang nam cũng được giới thiệu qua video và lần này trong cách dàn dựng đã dùng nhiều chi tiết thiết kế thời trang để gợi lại thời kỳ Phục Hưng tại Pháp, thông qua các bức họa chân dung của các nhà quý tộc trưng bày trong đại sảnh.

Nếu như dịch Covid-19 là một cú sốc rất mạnh đối với tất cả các cơ sở văn hóa, thì các nhà tạo mốt đã muốn tìm cái may trong cái rủi, biến tai họa vắng khách thành một cơ hiếm thấy. Chẳng hạn như khuôn viên Vaux le Vicomte hay mặt tiền của lâu đài Chambord, chưa bao giờ lại được quay đẹp và gần đến như vậy. do các cuộc biểu diễn thời trang đều không có sự tham gia của công chúng, các nhà nhiếp ảnh và đoàn quay phim video đã tận dụng cơ hội này để thu vào ống kính nhưng góc quay khác thường với ánh sáng kỳ lạ, điều khó thể làm được khi có sự hiện diện của khách tham quan trong bố cục của khung hình.

Lâu đài Chambord và Chenonceau được đề cao

Theo lời ông Jean d’Haussonville, giám đốc điều hành lâu đài Chambord, thay vì chọn các di sản kiến trúc làm hoạt cảnh hay phông nền đơn thuần, các nhà thiết kế đã biến các lâu đài thành một điểm nhấn hẳn hoi, có đủ tầm quan trọng cho nên không thể thiếu trong lối dẫn dắt câu chuyện. Lối dàn dựng như thể dùng thủ pháp nhân cách hóa, dùng công nghệ quay phim bằng drone để quay cận cảnh, người xem có cảm tưởng vuốt ve các ngọn tháp nhọn hoắc bằng đá, sờ vào các góc chạm trổ vuông vức sần sùi, linh cảm các mái ngói già cỗi rêu phong, những pho tượng sống động cổ kính mà đôi khi dòng thời gian đã mài mòn nhẵn nhụi.

Về phần mình, hiệu thời trang Chanel hồi đầu năm đã chọn lâu đài trên nước Chenonceau để trình bày bộ sưu tập thời trang của mình hầu quảng bá các ngành nghề thủ công, rất cần thiết do bổ sung khâu sáng tạo y phục. Bà Virginie Viard, giám đốc nghệ thuật của Chanel cũng đã tổ chức biểu diễn thời trang, thu hình qua video chứ không hề có khán giả, chủ yếu là để giới thiệu đội ngũ thợ có tay nghề cao. Nhà nhiếp ảnh trứ danh Juergen Teller đã thu vào ống kính quang cảnh lâu đài Chenonceau (một trong những kỳ quan kiến trúc của lịch sử Pháp xây vào năm 1513) dưới mọi góc độ. Lúc sinh tiền, bà Gabrielle Chanel rất mê lâu đài Chenonceau và huyền thoại của nhà Médicis, đủ để sưu tầm các tài liệu văn bản hay tác phẩm nghệ thuật có liên quan tới dòng họ này.

Đối với hiệu thời trang, lâu đài Chenonceau là nơi lý tưởng để tôn vinh các ngành nghề có từ các đời vua chúa thời trước, kể cả nghệ nhuộm lông thú gắn mũ, dệt thêu chỉ bạc, khảm vàng hay gắn đá qúy lên các bộ y phục hay phụ kiện thời trang. Theo lời cô Caroline Darrasse, giám đốc truyền thông của lâu đài Chenonceau, ngành thời trang cao cấp và các di sản kiến trúc có một điểm chung : cả hai ngành này đều cần có đội ngũ chuyên viên lành nghề và các thợ thủ công đều đòi hỏi thời gian và kinh nghiệm đào tạo.

Thời trang Dior tại Phòng Gương điện Versailles

Tất cả các ngành này đều phản ánh ít nhiều hình ảnh nghệ thuật lâu đời của nước Pháp. Điều đó giải thích vì sao hiệu thời trang Dior đã dàn dựng bộ phim video hồi tháng 03/2021 cho cuộc biểu diễn thời trang tại Phòng Gương, không gian nổi tiếng nhất tại cung điện Versailles. Trước đó, Dior đã từng quay nhiều clip video với thần tượng nhạc pop Rihanna cho đợt quảng cáo “Secret Garden” (Góc vườn thầm kín) cho dòng sản phẩm thời trang này. Nhưng lần này, Dior đã tổ chức toàn bộ show biểu diễn tại “Galeries des Glaces” cực kỳ lộng lẫy, điều mà có lẽ khó thể xẩy ra khi phải xếp các hàng ghế ngồi cho thượng khách. Một lần nữa, sự vắng mặt của công chúng đã tạo cơ hội cho Dior, có những cảnh quay tuyệt đẹp.

Theo lời nhà sử học Audrey Millet, tác giả của quyển sách về Thời trang Pháp do nhà xuất bản Les Pérégrines phát hành, không phải ngẫu nhiên mà các công ty thời trang Pháp như Chanel, Dior hay là Celine đã chọn các lâu đài này để giới thiệu các sáng tạo của họ. Các đền đài dinh thự như Versailles, Chambord, Chenonceau hay Vaux le Vicomte tượng trưng cho thời Phục Hưng của vua François Đệ Nhất, thời phát triển nghệ thuật của vua Louis XIV hay là nhà qúy tộc Colbert, những người đầu tiên có đủ tầm nhìn xa để nâng hàng hóa “Made in France” lên hàng quốc sách, nhờ vậy mà biến thành phố Tours thành một trung tâm kinh tế phồn thịnh ngay từ thế kỷ XV và thành phố Lyon là một trục giao thương quan trọng nhất từ thế kỷ XVII.

Dù muốn hay không, các công ty thời trang cao cấp của Pháp thừa hưởng uy tín có từ những thời này, “gu ăn mặc” cũng như nếp sống của Pháp đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới nhiều vương triều tại châu Âu. Đối với các dinh thự đền đài, hợp tác với các công ty thời trang đem lại cho một nguồn thu nhập đáng kể, luồng dưỡng khí cần thiết trong thời Covid-19. Còn đối với các hiệu như Chanel, Dior hay Celine, sự hợp tác đem lại thêm cho các thương hiệu này bề dày văn hóa, chiều sâu lịch sử.

Nguồn: rfi.fr

 


© 2024 | Thời báo PHÁP



 

Related Articles

Liên hệ

logo thoibaophap trans white 160x65

Thời báo PHÁP

22-34 rue Jules Verne, Levallois-Perret

Paris 92300

Tìm bài