"Sao không về quê ăn tết?" Chuyện những du học sinh không thể về vì không có tiền, vì dịch Corona

Mỗi dịp tết đến, dù xa xôi cả chục ngàn cây số, thậm chí là cả nửa vòng trái đất, thì những người con đất Việt vẫn luôn hướng trái tim về gia đình.

Những du học sinh không có tiền để về 

Đối với người Việt xa xứ, những ngày cuối năm này thật dễ chạnh lòng, nhất là những du học sinh vì học tập, thi cử hay vì điều kiện kinh tế, không thể về đón tết bên gia đình.

“Hai cái tết xa nhà, giờ sắp đón cái thứ ba, tết với mình cũng như bao ngày bình thường khác, vẫn thức dậy từ sáng sớm và về phòng lúc 4 giờ sáng, sau ca làm thêm. Mình bây giờ chỉ mong có đủ tiền để trang trải học phí và sinh hoạt hằng ngày chứ chẳng dám mong tới về quê đón tết”, Minh Nguyệt, du học sinh Việt Nam tại Úc, chia sẻ.

Sinh ra trong một gia đình khá giả lại giỏi ngoại ngữ, Minh Nguyệt được bố mẹ cho đi du học ngay khi vừa tốt nghiệp cấp ba. Kỳ học đầu tiên trôi qua suôn sẻ, Nguyệt dễ dàng hòa nhập với môi trường học tập, sinh hoạt tại Úc và đã tìm được cho mình một công việc làm thêm để trải nghiệm.

Đầu kỳ học thứ hai, biến cố lớn ập tới khiến việc kinh doanh của gia đình đổ bể, bố mẹ không còn khả năng chu cấp học phí cho Nguyệt. 19 tuổi, nữ sinh nhỏ nhắn này lao vào những công việc làm thêm, “oằn” mình chi trả khoản học phí và sinh hoạt phí đắt đỏ để quyết tâm hoàn thành chương trình đại học. Cách một năm, Nguyệt lại bảo lưu nghỉ một kỳ để có thời gian “cày” học phí cho năm tới. Đau lòng thay, giữa năm ngoái, em trai bất ngờ gặp tai nạn qua đời khiến bố mẹ Nguyệt suy sụp hoàn toàn. Lễ tang của em trai Nguyệt cũng không kịp về để tiễn em lần cuối. Cái tết năm nay với Nguyệt thật nhiều cảm xúc.

Trong cuốn nhật ký của mình, Nguyệt nhắn nhủ tới em trai: “Đã 3 năm rồi, năm nào cũng mong tết đến thật chậm, để không còn nhớ nhà đến quay quắt. Nhưng đây là lần đầu tiên, chị mong xuân đừng đến, để chị không thấy lạc lõng nơi xứ người khi không có em động viên, để bố mẹ mắt đỏ hoe vì nhớ thương em khi nhà nhà sum họp. Giữa con phố của người Việt nhộn nhịp chuẩn bị đồ đón năm mới, trái tim chị chợt hẫng lại, vì nhớ em, nhớ gia đình, nhớ hương vị tết”.

Hầu hết du học sinh Việt Nam đều tìm kiếm công việc làm thêm ngoài giờ học. Có những bạn đi làm để trải nghiệm, tìm cảm hứng, nhưng cũng có rất nhiều bạn đang chật vật đi làm để trang trải cho cuộc sống du học đắt đỏ. Thay vì về quê vào những dịp lễ tết, các bạn thường chọn ở lại làm thêm giờ hoặc tìm thêm một vài công việc khác để có đủ học phí cho kỳ tiếp theo. Chưa kể, chi phí đi lại cho mỗi lần về quê cũng khá tốn kém nên các bạn du học sinh tự túc thường tâm lý tiết kiệm tối đa.

Bùi Trang, sinh viên Đại học Pyeongtaek (Hàn Quốc), chia sẻ: “Vẫn biết là bố mẹ ở nhà buồn nhưng nếu hai chị em mình cùng về thì sẽ rất tốn kém, mà một đứa về thì đứa ở lại cũng tủi thân, nên hai chị em quyết định không về. Hai đứa cũng an ủi nhau coi như tiết kiệm được một khoản để lo sinh hoạt phí”.

Du học sinh vì dịch bệnh không tìm được việc 

P.H (ở TP.HCM) là du học sinh ngành thiết kế nội thất của trường Osaka Design Collect. Vừa qua, H. học xong chương trình nhưng không về nước được vì mọi chuyến bay quốc tế đều bị hủy. Lại gần đến giỗ đầu của mẹ, H. đã gửi email đến Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và được hỗ trợ chuyến bay về nước vào tháng 4.2020. Sau 14 ngày cách ly tập trung và 14 ngày cách ly tại nhà lo xong giỗ mẹ, H. nộp đơn khắp nơi để tìm công việc liên quan đến ngành học và vận dụng được vốn tiếng Nhật của mình.

132 1 Sao Khong Ve Que An Tet Chuyen Nhung Du Hoc Sinh Khong The Ve Vi Khong Co Tien Vi Dich Corona

H kể: “Trước khi đi du học, em có tìm hiểu ngành học này mà biết tiếng Nhật thì sẽ tìm được việc ở các công ty của Nhật đặt tại Việt Nam với mức thu nhập khởi đầu là trên 20 triệu nên đi học với tâm lý rất thoải mái. Nào ngờ về Việt Nam trúng thời điểm dịch, không công ty nào tuyển, nơi có thì yêu cầu kinh nghiệm. Em đành phải xin đi phục vụ quán bar và phụ bếp để có tiền sinh hoạt qua ngày”. H. đã tìm đến khu phố Nhật ở đường Lê Thánh Tôn và xin được công việc phụ bếp. Thời gian buổi tối, H. không muốn bỏ trống nên xin làm phục vụ cho một quán bar gần đó. Nhưng vừa xin được việc thì quán bar đóng cửa đến gần đây mới mở lại khiến thu nhập của chàng du học sinh có đôi phần khó khăn.

132 2 Sao Khong Ve Que An Tet Chuyen Nhung Du Hoc Sinh Khong The Ve Vi Khong Co Tien Vi Dich Corona

Những du học sinh không về quê ăn tết được vì Covid -19 

Tình hình dịch bệnh ở Mỹ ngày càng nghiêm trọng, năm ngoai L.T đã cố gắng dành dụm tiết kiệm để năm nay về quê ăn tết sau 3 năm rời Việt Nam. Thế mà dịch Corona làm việc về nước trở nên khó khăn hơn. Thế là lại thêm 1 năm nữa đón tết ở xứ người. Dịch bệnh việc học, việc làm đều bị đình trệ.

L.H.H , sinh viên Đại học Dongguk (Seoul, Hàn Quốc), chia sẻ: “Hai năm nay mình đều ngắm pháo hoa trên đường đi làm thêm về. Đêm giao thừa năm ngoái, dù đã cố gắng để về nhà thật sớm gọi điện chúc tết ông bà và bố mẹ, nhưng khi mình vừa bước ra khỏi cửa quán cũng là lúc mọi người đang đếm ngược để chào đón năm mới. Dẫu là con trai nhưng mình cũng không khỏi cay mắt khi vừa tủi thân vừa nhớ gia đình”.

Mỗi người một lý do, một hoàn cảnh, nhưng đối với du học sinh áp lực mỗi dịp “Tết đến xuân về” thì lại càng nhân đôi. Dù được về hay không được về, chúc các bạn du học sinh luôn mạnh mẽ trên con đường đã chọn.

Nguồn: Tổng hợp

 

 


© 2024 | Thời báo PHÁP



 

Related Articles

Liên hệ

logo thoibaophap trans white 160x65

Thời báo PHÁP

22-34 rue Jules Verne, Levallois-Perret

Paris 92300

Tìm bài