Nhiều cựu lãnh đạo TP.HCM bị nữ đại gia Dương Thị Bạch Diệp "qua mặt"

Từ cựu Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài đến lãnh đạo nhiều sở bị bà Dương Thị Bạch Diệp "qua mặt" chiếm đoạt tài sản Nhà nước trị giá 352 tỉ đồng.

132 1 Nhieu Cuu Lanh Dao Tphcm Bi Nu Dai Gia Duong Thi Bach Diep Qua Mat

Bị can Dương Thị Bạch Diệp. Ảnh cơ quan công an.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa ra kết luận đề nghị Viện KSND Tối cao truy tố bà Dương Thị Bạch Diệp (người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Bất động sản Diệp Bạch Dương) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Cùng với đó, ở tội danh "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", 9 người gồm cựu Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài; Phó Chánh Văn phòng UBND TP.HCM; Sở Tài chính; Sở Tài nguyên và Môi trường; Sở Văn hoá, Thể thao và du lịch...

Ngoài ra, cơ quan điều tra còn xác định, ông Lê Hoàng Quân (cựu Chủ tịch UBND TP.HCM) có "một phần trách nhiệm" liên quan đến nhà đất số 185 Hai Bà Trưng bị bà Dương Thị Bạch Diệp chiếm đoạt, cầm cố.

Kết luận nêu, vụ án khởi nguồn từ việc năm 2007, Trung tâm Ca nhạc nhẹ xuống cấp và đã hợp tác với Công ty Diệp Bạch Dương để xây dựng. Theo đó, bà Dương Thị Bạch Diệp đã đề xuất hoán đổi nhà đất 185 Hai Bà Trưng bằng thửa đất 57 Cao Thắng.

Tuy nhiên, trước khi hoán đổi, bà Diệp đã cầm cố thửa nhất 57 Cao Thắng cho Agribank TP.HCM vay gần 22.000 lượng vàng. Đến khi việc hoán đổi trên được UBND TP.HCM chấp thuận, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho diện tích tại số 185 Hai Bà Trưng, bà Diệp tiếp tục đem cầm cố tại Ngân hàng Phương Nam, vay 160 tỉ đồng.

Hành vi của bà Diệp khiến nhà nước thiệt hại tài sản trị giá 352 tỉ đồng. Để cho bà Diệp chiếm đoạt, cơ quan chức năng cáo buộc có sai phạm của hàng loạt lãnh đạo UBND TP.HCM, Sở, ngành.

Cụ thể, ông Tài đã không chỉ đạo kiểm tra, xác minh điều kiện pháp lý của nhà đất số 57 Cao Thắng, dẫn đến việc không phát hiện tài sản này đã bị thế chấp.

Bị can Đào Thị Hương Lan (cựu Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM), thường trực Ban chỉ đạo 09 TP.HCM trong việc thực hiện chỉ đạo của ông Tài đối với hoán đổi tài sản.

Bà Lan đã không căn cứ vào Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước... mà chỉ dựa trên sự chấp thuận chủ trương cho thực hiện việc hoán đổi của lãnh đạo UBND TP.HCM.

Từ đó, bị can Lan đã đề xuất yêu cầu các bên liên quan cung cấp các thủ tục pháp lý cho đủ thủ tục nhằm hợp thức hoá hồ sơ theo trình tự, thẩm quyền giải quyết.

Bà Lan nhận thức được quyền sở hữu hợp pháp, không có tranh chấp, thế chấp đối với nhà đất số 57 Cao Thắng là điều kiện tiên quyết, bắt buộc để có thể thực hiện việc hoán đổi. Song bà không đề xuất chỉ đạo, thực hiện việc kiểm tra, xác minh điều kiện pháp lý của nhà đất này.

Trong số cựu lãnh đạo TP.HCM, còn có ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường. Ông Kiệt là người trực tiếp ký giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở đối với nhà đất số 185 Hai Bà Trưng.

Cơ quan điều tra cho rằng, ông Kiệt không lập hồ sơ, thu thập đủ tài liệu chứng minh nghĩa vụ tài chính của Công ty Diệp Bạch Dương đối với nhà đất số 185 Hai Bà Trưng. Trong đó, có việc bàn giao quyền sở hữu hợp pháp đối với nhà đất số 57 Cao Thắng cho Trung tâm Ca nhạc nhẹ.

Ngay bản thân bà Diệp khai rằng, các cá nhân, đơn vị tiếp nhận hồ sơ, giải quyết hoán đổi của TP.HCM không yêu cầu cung cấp bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu với nhà đất số 57 Cao Thắng.

Tuy nhiên, theo cơ quan điều tra, lời khai đó của bà Diệp để biện minh cho việc không cung cấp thông tin tài sản này đã được thế chấp, từ đó qua mặt hàng loạt lãnh đạo của TP.HCM chiếm đoạt nhà đất số 185 Hai Bà Trưng - tài sản của Nhà nước.

 

Nguồn: Báo Lao động

 


© 2024 | Thời báo PHÁP



 

Related Articles

Liên hệ

logo thoibaophap trans white 160x65

Thời báo PHÁP

22-34 rue Jules Verne, Levallois-Perret

Paris 92300

Tìm bài