Đại sứ EU: Việt Nam nỗ lực lớn để gỡ bỏ thẻ vàng thủy sản

Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Julien Guerrier cho biết Việt Nam thể hiện quyết tâm chính trị cao và có những nỗ lực lớn để có thể được gỡ thẻ vàng thủy sản IUU.

1 Dai Su Eu Viet Nam No Luc Lon De Go Bo The Vang Thuy San

Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Julien Guerrier trong cuộc gặp gỡ báo chí ngày 3/5 (Ảnh: Thành Đạt).

Ngày 3/5, Đại sứ Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Julien Guerrier đã có cuộc gặp gỡ báo chí nhân dịp Ngày châu Âu (9/5). Đại sứ đã trao đổi nhiều vấn đề trong quan hệ song phương, cũng như chính sách của EU với Việt Nam trong các lĩnh vực.

Nỗ lực gỡ thẻ vàng

Đại sứ Guerrier cho biết Việt Nam thể hiện quyết tâm chính trị rất cao, có những nỗ lực rất lớn để có thể được gỡ thẻ vàng về Các hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) càng sớm càng tốt.

"Gần đây, chúng tôi đã có buổi làm việc với Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam. Chúng tôi thấy Việt Nam đã tạo được một khuôn khổ pháp lý về vấn đề này, đã có những nỗ lực như lắp đặt thiết bị giám sát hành trình của tàu để theo dõi. Tuy nhiên, hiện vẫn còn vấn đề thực thi, vì ngư dân có thể tắt máy để tránh bị giám sát khi họ đi vào các vùng cấm hay sang quốc gia khác để đánh bắt. Đó là hành động khai thác trái phép nhưng không bị xử lý nghiêm", nhà ngoại giao EU cho biết.

Ngoài những vấn đề trên, Đại sứ Guerrier cho biết phía EU cũng nhận thấy có một số điểm sáng, ví dụ ở Kiên Giang, đã có những tiến bộ nhất định. Việt Nam đã ban hành những nghị định, quy định pháp lý về xử phạt hành vi vi phạm của ngư dân và tàu cá. Ông hy vọng hai bên sớm có đánh giá về tiến bộ đạt được cho đến nay, dựa trên những nỗ lực của Việt Nam.

Đại sứ cho biết EU đang tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để hai phía cùng trao đổi cụ thể với nhau về kết quả đạt được cho đến nay.

"Sắp tới sẽ có đoàn thanh tra của Liên minh châu Âu đến Việt Nam, tôi hy vọng sẽ có kết quả tích cực vì đây là cơ sở để có thể gỡ thẻ vàng cho Việt Nam. Tôi không thể khẳng định ngày cụ thể thẻ vàng sẽ được gỡ, nhưng có thể nói rằng chúng tôi đang tích cực phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam", Đại sứ Guerrier nói.

Theo Đại sứ Guerrier, thời điểm đoàn thanh tra của EU đến Việt Nam chưa được ấn định. Phái đoàn EU đang trao đổi chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Để đạt được kết quả tốt nhất có thể sau khi đoàn thanh tra vào, phía EU muốn Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất thời điểm, khi nào phía Việt Nam cảm thấy sẵn sàng nhất và có thể đạt được kết quả tích cực nhất, phái đoàn EU sẽ thông báo để đoàn thanh tra đến.

"Chúng tôi hy vọng sớm có kết quả cụ thể, đặc biệt là với nghị định về xử phạt sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 19/5. Cần một khoảng thời gian để nghị định được triển khai trên thực tế và mang lại kết quả. Khi đó hai bên sẽ ấn định thời điểm đoàn thanh tra EU tới Việt Nam", Đại sứ Guerrier nói thêm.

Cú hích của EVIPA

Liên quan tới hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), Đại sứ Guerrier xác nhận cho đến nay đã có 17 quốc gia thành viên EU phê chuẩn EVIPA, còn chờ 10 quốc gia nữa để đảm bảo đủ 27 quốc gia thành viên phê chuẩn. Khác với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chỉ cần EU phê chuẩn, EVIPA đòi hỏi sự chia sẻ chung về chuyên môn và trách nhiệm của cả EU và mỗi quốc gia thành viên, do vậy sẽ mất nhiều thời gian hơn. Trong mỗi quốc gia thành viên lại cần từng vùng của họ phê chuẩn. EU vẫn thúc đẩy các quốc gia thành viên đẩy nhanh tốc độ xem xét phê chuẩn.

EU đánh giá EVIPA sẽ có những tác động tích cực đối với cả hai chiều, EU và Việt Nam. Các công ty sẽ được bảo vệ tốt hơn với những khoản đầu tư của họ sau khi hiệp định được thực thi. Nhưng bản thân các quốc gia thành viên EU đã đầu tư rất nhiều vào Việt Nam trước khi có hiệp định. Đây là điểm tích cực. Đại sứ EU cho biết, ông vẫn nói với các doanh nghiệp rằng, kể cả như vậy, sau khi EVIPA có hiệu lực sẽ còn tạo ra cú hích lớn hơn nữa, mang lại lợi ích cho cả hai bên.

"Chúng tôi kỳ vọng chính phủ hai bên sẽ luôn nhìn vào lợi ích để thúc đẩy quá trình phê chuẩn. Chúng tôi luôn thúc đẩy các quốc gia thành viên phê chuẩn. Trong khi đó, chúng tôi biết Việt Nam cũng có kênh song phương của mình để thúc đẩy các nước thành viên EU sớm phê chuẩn EVIPA", Đại sứ Guerrier cho biết.

Dự án kiểu mẫu về hạ tầng

Về tuyến đường sắt đô thị số 3, Đại sứ Guerrier khẳng định EU coi đây là một dự án kiểu mẫu trong hợp tác về hạ tầng dành cho người dân Hà Nội và Việt Nam nói chung, mang lại sự thuận tiện về giao thông đường sắt đô thị nhanh hơn, sạch hơn. EU hỗ trợ cho dự án này thông qua các nguồn vốn của EU từ Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB), Pháp và một số quốc gia thành viên khác.

"Qua dự án này, chúng tôi mang công nghệ tiên tiến của châu Âu để góp phần phát triển hạ tầng của Hà Nội. Chúng tôi mong muốn mang lại lợi ích tốt nhất cho Việt Nam, thúc đẩy sự phát triển bền vững của Hà Nội, của Việt Nam thông qua dự án này", Đại sứ EU nhấn mạnh.

Bầu cử Nghị viện châu Âu

Đại sứ Guerrier đánh giá cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6 tới là cuộc bầu cử quan trọng, được tổ chức 5 năm một lần. Khoảng 450 triệu cử tri trên toàn châu Âu sẽ lựa chọn ra các đại diện của Nghị viện châu Âu. Từ đó, Nghị viện châu Âu sẽ bầu ra chủ tịch Ủy ban châu Âu và các cao ủy. Các cao ủy sẽ do 27 quốc gia thành viên đề xuất và có nhiệm kỳ 5 năm. Người nào lên và đảng nào nắm đa số sẽ ảnh hưởng lớn đến quan hệ chính trị của châu Âu với thế giới.

Theo Đại sứ Guerrier, đặt trong bối cảnh chính sách của EU với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, Việt Nam được coi là đối tác đang nổi lên rất mạnh mẽ về kinh tế và địa chính trị. Hai bên đã ký được nhiều hiệp định và thỏa thuận hơn những đối tác khác của EU, có thể kể đến EVFTA, EVIPA và nhiều hiệp định, thỏa thuận khác.

Về thứ hạng, Việt Nam đang là đối tác thương mại hàng đầu của EU tại ASEAN, là nước tiếp nhận ODA lớn nhất của chúng tôi ở khu vực. Hai bên đang phối hợp chặt chẽ trong các vấn đề toàn cầu như chống biến đổi khí hậu... Trong tất cả lĩnh vực này đều có định hướng quan trọng từ Nghị viện châu Âu.

"Tôi nghĩ rằng với những định hướng lớn đó, sẽ không có thay đổi gì về ưu tiên chính sách trong quan hệ với Việt Nam sau cuộc bầu cử", Đại sứ EU cho biết.

Nguồn: Báo điện tử Dân trí

 


© 2024 | Thời báo PHÁP



 

Related Articles

Liên hệ

logo thoibaophap trans white 160x65

Thời báo PHÁP

22-34 rue Jules Verne, Levallois-Perret

Paris 92300

Tìm bài