Bourgogne nằm trong 10 điểm du lịch hấp dẫn nhất theo Lonely Planet

Được phát hành lần đầu tiên vào năm 1972, Lonely Planet là một trong những tủ sách hướng dẫn du lịch nổi tiếng nhất địa cầu.

1 Bourgogne Nam Trong 10 Diem Du Lich Hap Dan Nhat Theo Lonely Planet

Hồi đầu tháng 11 vừa qua, nhân kỳ hội chợ du lịch thế giới World Travel Market (WTM) tại Luân Đôn, nhà xuất bản Lonely Planet đã trình làng tựa sách mới ”Best of Travel 2022”. Vùng Bourgogne của Pháp nằm trên danh sách 10 điểm đến hấp dẫn nhất trong năm tới.

2 Bourgogne Nam Trong 10 Diem Du Lich Hap Dan Nhat Theo Lonely Planet

Một khu trồng nho làm rượu vang Chablis (Bourgogne) Pháp. AFP/File

Trên bảng Top 10 theo cách bình chọn của tủ sách Lonely Planet, vùng Bourgogne (Burgundy) được đánh giá cao nhờ có nhiều di sản lịch sử lâu đời, đồng thời văn hóa rượu vang cũng như nghệ thuật ẩm thực thuộc vào hàng nhất nhì thế giới. Vùng Bourgogne có mặt trên bảng vàng, bên cạnh phong cảnh hùng vĩ các vịnh hẹp phía Tây Iceland (fjord), vùng West Virginia thơ mộng hiền hòa như trong bài hát của danh ca Mỹ John Denver, các ngọn đồi xanh mướt lá trà Tây Song Bản Nạp của dân tộc thiêu số Thái ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc hay các ngôi đền linh thiêng đón Phật tử hành hương trên đảo Shikoku của Nhật Bản.

Bên cạnh đó, nhiều danh lam thắng cảnh khác của Anh, Úc, Chilê hay Canada cũng được đưa vào danh sách chọn lọc của những điểm đến mà khách du lịch quốc tế khó thể nào bỏ qua trong năm 2022.

Con đường các rượu vang thượng hạng

Quyển sách hướng dẫn du lịch ”Best of Travel 2022” được cho ra mắt độc giả đúng vào dịp 50 năm ngày Lonely Planet ra đời. Được hai vợ chồng người Anh Maureen và Tony Wheeler thành lập vào năm 1972, nhà xuất bản này đã hoạt động một cách độc lập cho tới năm 2007, sau đó được nhượng lại cho công ty Mỹ NC2 Media, rồi kế đến nữa là Red Ventures. Tủ sách này đã bán hơn 160 triệu cuốn sách hướng dẫn du lịch kể từ khi được thành lập. Tính đến nay, Lonely Planet in sách hướng dẫn trong 8 thứ tiếng kể cả Anh, Pháp, Ý, Đức, Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Trong vòng 50 năm, tủ sách ngày càng trở nên phong phú với hơn 650 tựa sách bằng tiếng Anh (kể từ năm 1972) và hơn 230 tựa tiếng Pháp (tính từ năm 1993). Nếu như ở Pháp, độc giả thích quyển sách ”Guide du Routard” thì có thể nói là ”Lonely Planet” đặc biệt thu hút khá nhiều độc giả trẻ tuổi, trong đó có thành phần du khách gọi nôm na là Tây ”ba lô”, họ đều thích tìm đọc cả hai tựa sách này.

Theo ban biên tập Lonely Planet, trong tâm trí của nhiều khách quốc tế, vùng Bourgogne (Burgundy) đồng nghĩa với ẩm thực và rượu vang, thích hợp với thành phần du khách ở gần (châu Âu) cũng như khách đến từ phương xa (châu Mỹ, châu Á hay châu Đại Dương) một khi biên giới các quốc gia được mở lại. Từ các đồi nho vùng Côte d’Or (thủ phủ là thành phố Dijon) cho tới thành phố Mâcon, rồi ở tận cùng phía nam là thị trấn Vaux-en-Beaujolais, vùng Bourgogne Franche-Comté là giao điểm của nhiều tuyến đường rượu vang, trong đó nổi tiếng nhất là ”Con đường các rượu vang thượng hạng” (La Route des Grands Crus) chủ yếu là các ngôi làng xung quanh Beaune dẫn tới Meursault và Santenay.

Từ đồng bằng, thung lũng cho tới đồi cao, những vườn nho Bourgogne thật ra trải dài trên hơn 250 cây số và có tới hơn 80 hiệu rượu vang nổi tiếng là những đặc sản địa phương. Trong số này, có khoảng một phần tư là những loại rượu được bán chạy trên thế giới, thực khách nước ngoài đều khá quen thuộc với các loại rượu vang Pháp như Beaune, Chablis hay Mâcon. Không phải ngẫu nhiên mà các thành phố này đều có hẳn một cơ quan chuyên về rượu vang. Thủ phủ của vùng này là Dijon cũng sẽ khai trương vào năm tới Trung tâm về ẩm thực và rượu vang vùng Bourgogne, hầu như cùng lúc với trụ sở của Tổ chức Rượu vang Quốc tế. Hồi mùa hè vừa qua, cơ quan liên chính phủ này đã chọn Dijon làm nơi lập trụ sở thay vì Reims hay Bordeaux.

Thế nhưng, Bourgogne không chỉ có các món ăn đặc sản hay rượu vang thượng hạng. Vùng này còn thu hút nhiều du khách khác ngoài thành phần khách sành điệu ẩm thực chủ yếu nhờ vào bề dày lịch sử văn hóa. Trên trang thông tin giới thiệu về vùng này, tủ sách Lonely Planet đặc biệt yêu chuộng các di tích của thành phố Dijon, các danh lam thắng cảnh tại làng Montbard, các thị trấn Vézelay hay Noyers sur Serein.

Du khách theo vết chân của thi hào Lamartine

Nếu như thành phố Orléans (cách Paris khoảng 120 cây số về phía Nam) là cửa ngõ dẫn tới vùng Sologne, thì một cách tương tự, thành phố Sens là cổng vào vùng Bourgogne. Thành phố này có hai công trình kiến trúc nổi bật là nhà thờ Saint-Étienne (thế kỷ XI) và Điện Công nghị (thế kỷ XIII). Trung tâm Sens là phố cổ với nhiều căn nhà gỗ xinh xắn nho nhỏ bên cạnh các biệt thự đồ sộ.

Từ Sens đến thủ phủ Dijon, du khách nên dừng chân tại thành phố Montbard, để khám phá viên ngọc kiến trúc địa phương là tu viện Fontenay, nằm trong một vùng thung lũng xanh. Được xây dựng vào năm 1118, tu viện Fontenay là một quần thể kiến trúc với nhà thờ xây theo phong cách roman, một thư phòng với mái vòm cung, vườn cây cảnh nằm ngay bên cạnh một lò rèn có từ năm 1220, nơi mà một số tu sĩ thời xưa tự rèn lấy dụng cụ làm vườn hay cuốc xẻn để canh tác trồng trọt. Lối đi bộ hay xe đạp từ làng Montbard dẫn tới tu viện Fontenay dài khoảng 6 cây số và cũng là một trong những lộ trình thơ mộng nhất trong vùng.

Một khi đến Dijon, thủ phủ của tỉnh Côte d’Or, du khách hẳn chắc sẽ dành nửa ngày để viếng thăm Lâu đài Công tước Bourgogne cực kỳ hoành tráng, nằm trên cùng quảng trường có tòa thị chính Dijon và Viện Bảo tàng Mỹ thuật.

Thành phố Dijon cũng là chặng dừng cần thiết trước khi đến Beaune, khoảng 20 phút đi tàu điện. Đây là điểm khởi hành để khám phá Con đường rượu vang thượng hạng. Nếu có thêm thời gian, Lonely Planet khuyên du khách dành một hay hai ngày để ghé thăm thành phố Mâcon.

Giới yêu tranh có thể xem bức bích họa của nghệ sĩ Mai Thứ tại nhà thờ Saint Pierre, còn giới yêu thơ thì ghé thăm dinh thự Senecé hay Viện bảo tàng Ursulines dành cho thi hào Alphonse de Lamartine (1790-1869), đứa con yêu quý nhất trong mắt của người dân địa phương, Lamartine đã viết những tác phẩm đầu đời tại thành phố này. Mâcon còn lưu lại những vết tích ấy cho tới tận ngày nay.

Nhưng ngoạn mục hơn cả theo Lonely Planet là lộ trình dài 28 cây số bằng xe đạp để khám phá ngôi làng Cluny.

Nằm ở phía Tây Bắc thành phố Mâcon, du khách có thể xem nhà nguyện và tu viện Cluny, được xây dựng từ năm 1088 đến 1130. Tọa lạc trong một công viên rộng lớn, đây là một trong những trung tâm ”hoành tráng” nhất của thế giới Công giáo cho tới thế kỷ XIV, nhường chỗ lại sau đó cho Vương cung thánh đường Thánh Phêrô.

Công trình này được xây dựng tại thủ đô Roma để rồi trở thành tâm điểm của Giáo hội Công giáo.

Mặc dù không còn tỏa sáng, nhưng thánh đường của tu viện Cluny là nơi mà du khách dễ tìm thấy một niềm vui nhẹ nhàng. Ngay cả khi bầu trời mùa thu không mấy quang đãng, tâm hồn của khách vẫn cảm thấy thanh thản.

Nguồn: rfi.fr

 


© 2024 | Thời báo PHÁP



 

Related Articles

Liên hệ

logo thoibaophap trans white 160x65

Thời báo PHÁP

22-34 rue Jules Verne, Levallois-Perret

Paris 92300

Tìm bài