Đợt siêu giảm giá đầu năm tại Pháp khiến thương mại điện tử phát triển mạnh

Việc thiết lập lệnh giới nghiêm từ 18h đến 6h hằng ngày, một biện pháp nhằm ngăn chặn tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, có thể khuyến khích người tiêu dùng “săn” hàng giá rẻ trên mạng, thay vì căng thẳng xếp hàng đợi đến lượt trước các cửa hàng.

132 1 Dot Sieu Giam Gia Dau Nam Tai Phap Khien Thuong Mai Dien Tu Phat Trien Manh

Theo phóng viên đưa tin tại Paris, ông Yohann Petiot, Giám đốc Liên minh Phân phối các hàng hóa phi thực phẩm, cho biết trong đợt siêu giảm giá toàn quốc đầu năm nay, bắt đầu từ 20/1 và kéo dài 4 tuần, sự chuyển dịch sang thương mại điện tử là xu hướng “không thể tránh khỏi”.

Kết quả cuộc khảo sát do công ty nghiên cứu thị trường YouGov vừa thực hiện cho thấy vì cuộc khủng hoảng y tế do COVID-19 gây ra, có khoảng 70% số người Pháp được hỏi khẳng định “tránh đến cửa hàng càng nhiều càng tốt”.

Những người trẻ tuổi thích ứng nhanh với thời cuộc khi có 40% người từ 18 đến 34 tuổi dự kiến sẽ ưu tiên mua sắm trực tuyến, so với chỉ 28% người lớn tuổi hơn.

Những thói quen mua sắm qua mạng Internet, phát triển vượt bậc vào cuối năm 2020, sẽ tiếp tục được khẳng định trong đợt bán hàng rất quan trọng này đối với các nhà kinh doanh.

La Poste, một công ty vận chuyển lớn hợp tác với hầu hết các trang thương mại điện tử, dự kiến tăng 20% hoạt động cho mùa khuyến mại đầu năm nay.

Trong quý IV/2020, mua sắm trực tuyến đã ghi nhận mức tăng trưởng phi thường, nhất là khi các cửa hàng bán các sản phẩm không thiết yếu buộc phải đóng cửa trong tháng 11 để chống lại làn sóng thứ hai của đại dịch COVID-19 ở Pháp.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có các con số chính thức trong lĩnh vực này vì chúng được coi là nhạy cảm.

Nguyên nhân là ở Pháp vẫn có rất nhiều cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ dân cư địa phương và xa lạ với các hình thức mua bán trực tuyến, nên phải gánh chịu rất nhiều thiệt hại sau hai đợt phong tỏa toàn quốc vào mùa Xuân và mùa Thu 2020.

Theo một thống kê chưa chính thức, thương mại điện tử tại Pháp đã đạt doanh thu 32 tỷ euro trong quý cuối cùng của năm 2020, trên tổng số ước tính gần 110 tỷ euro của cả năm. Kết quả trên cao hơn năm 2019 (đạt khoảng 103 tỷ euro), thậm chí vượt cả sự mong đợi của các nhà quản lý.

Bất chấp việc Amazon đã nhượng bộ với Chính phủ Pháp và hoãn các khuyến mại Black Friday đến ngày 4/12/2020 nhằm xoa dịu sự tức giận của các thương gia địa phương, cơn sốt mua hàng trên mạng vẫn không hề giảm.

Trong vòng một tuần giữa tháng 12/2020, La Poste đã giao hơn 19 triệu bưu kiện. Một kỷ lục so với 12,9 triệu năm 2019.

Theo viện nghiên cứu thị trường GFK, doanh số bán sản phẩm gia dụng trực tuyến đã tăng 33% trong tuần lễ Black Friday. Các bưu kiện đồ chơi và máy chơi điện tử đã tăng vọt, hiện chiếm 32% doanh số bán hàng ở Pháp, so với 26% vào năm 2019.

Thị trường thời trang cũng không nằm ngoài dòng chảy. Theo ông Gildas Minvielle, Giám đốc kinh tế của Viện Thời trang Pháp, sau khi tăng 63% vào tháng 11/2020 so với cùng kỳ năm 2019, doanh số bán hàng trực tuyến tiếp tục tăng tốc trong tháng 12.

Trên thực tế, lĩnh vực bán hàng trực tuyến của Pháp đang theo xu hướng toàn cầu. Theo ACI Worldwide, nhà cung cấp các giải pháp thanh toán, giao dịch trên mạng toàn thế giới tăng 31% vào tháng 12/2020 so với cùng kỳ năm 2019.

McKinsey & Company cho biết thương mại điện tử “hiện chiếm 29% doanh thu của lĩnh vực thời trang” trên toàn thế giới. Có nghĩa là lợi nhuận thu được trong 6 tháng qua tương đương với 8 năm tăng trưởng trước đó.

Một số công ty kinh doanh trực tuyến đang tận dụng tối đa lợi thế. Hai trang web bán hàng của Anh là Asos và Boohoo đã ghi nhận doanh số tăng 23% và 40% trong quý IV/2020.

Nguồn: bnews

 


© 2024 | Thời báo PHÁP



 

Related Articles

Liên hệ

logo thoibaophap trans white 160x65

Thời báo PHÁP

22-34 rue Jules Verne, Levallois-Perret

Paris 92300

Tìm bài