Mùa hè đầy ấn tượng với liên hoan ‘‘Normandie Impressioniste’’

Sau gần một năm bị trì hoãn, cuối cùng chương trình văn hóa ‘‘Normandie Impressioniste’’ (Vùng Normandie ấn tượng) cũng được khai mạc hồi đầu tuần và sẽ kéo dài cho tới tháng 11/2020.

Hơn 30 bảo tàng ở vùng Normandie giới thiệu hàng trăm sinh hoạt đủ loại : hội họa, nhiếp ảnh, âm nhạc, hội thảo, chiếu phim để tái tạo khung cảnh nghệ thuật của trường phái ‘‘ấn tượng’’.

132 1 Mua He Day An Tuong Voi Lien Hoan Normandie Impressioniste

Ra đời cách đây đúng một thập niên, liên hoan theo chuyên đề ‘‘Normandie Impressioniste’’ được tổ chức cứ ba năm một lần. Mỗi kỳ liên hoan trước vào năm 2010, 2013, 2016 đã thu hút trên một triệu lượt người tham gia. Năm 2020 là liên hoan lần thứ tư và cuối cùng cũng được diễn ra sau nhiều lần bị đẩy lùi do dịch Covid-19. Chương trình năm nay cũng đã có nhiều thay đổi so với kế hoạch ban đầu, thế nhưng theo bà giám đốc liên hoan Selma Toprak, ban tổ chức háo hức chờ đón ngày khai mạc sau một thời gian dài đầy bất trắc. Rốt cuộc, 50 cuộc triển lãm và khoảng 400 sự kiện lớn nhỏ được duy trì trên khắp vùng Normandie theo chủ đề ‘‘La Couleur au jour le jour’’ (Màu sắc, ngày qua ngày).

Nổi tiếng là nơi tạo nguồn cảm hứng của các danh họa ấn tượng, vùng Normandie trong mùa hè này là điểm hẹn của giới yêu chuộng nghệ thuật. Ngôi làng Giverny, chốn an nghỉ cuối cùng của danh họa Claude Monet, tổ chức cùng lúc hai cuộc triển lãm. Đầu tiên hết là ‘‘Reflets d’une collection’’ phản ánh bộ sưu tập gồm hơn 200 tác phẩm của Viện bảo tàng Monet ở Giverny. Bảo tàng này cũng tổ chức song song cuộc triển lãm trực tuyến theo chủ đề : Tranh vẽ ngoài trời từ Corot đến Monet, phản ánh nếp sống và sinh hoạt ở miền đồng quê Normandie, khi phong cảnh thiên nhiên được biến thành một xưởng vẽ lộ thiên, dưới ánh sáng tự nhiên ban ngày. Các kiệt tác hội họa ở đây chủ yếu được giới thiệu trên mạng.

Nếu muốn xem tận mắt các bức tranh nổi tiếng của các bậc thầy của trường phái ấn tượng như Renoir, Sisley, Manet, Cézanne, Corot, Signac, Bonnard hay là Monet, khách tham quan phải chịu khó đến tham quan các viện bảo tàng lớn ở vùng Normandie, trong đó có Bảo tàng nghệ thuật hiện đại André Malraux ở thành phố Havre. Nhân dịp này, bảo tàng André Malraux (còn thường được gọi là MuMa) khai trương cuộc triển lãm với chủ đề ‘‘Nuits Électriques’’ cho tới ngày 01/11/2020, qua đó cho thấy các danh họa ấn tượng là những nghệ sĩ đầu tiên phản ánh trong tác phẩm của họ những thay đổi trong nếp sống đô thị qua hệ thống thắp sáng thành phố bằng ánh đèn nhân tạo.

Còn tại Viện bảo tàng Mỹ thuật thành phố Rouen, từ ngày 11/07 cho đến ngày 15/11/2020, một cuộc triển lãm lớn giới thiệu 100 tác phẩm trong bộ sưu tập của nhà triệu phú người Pháp François Depeaux, ông từng trở nên cực kỳ giàu có cuối thế kỷ 19 nhờ khai thác các mỏ than đá. Sinh thời, ông François Depeaux đã mua và sưu tầm hơn 600 tác phẩm của các danh họa ấn tượng như Monet, Guillaumin, Pissaro, Renoir, Morisot, Degas, Cézanne, Gauguin, Caillebotte hay là Toulouse-Lautrec .

Ông cũng là người đầu tiên mua bộ tranh ‘‘Cathédrales’’ của danh họa Monet chuyên vẽ đi vẽ lại cùng một mô típ Nhà thờ Đức bà Rouen, dưới nhiều góc độ và thời điểm khác nhau, để đối chiếu cách dùng ánh sáng. Thành phố Rouen còn có danh hiệu ‘‘Kinh thành với 100 ngọn tháp chuông’’ theo cách gọi của Monet. Đến khi qua đời, ông François Depeaux đã tặng theo di chúc một phần của bộ sưu tập này cho thành phố Rouen. Hai thị trấn Bois-Guillaume và Bois-Guilbert, nguyên quán của gia đình ông cũng tham gia tổ chức triển lãm về các họa sĩ thuộc trường phái ấn tượng, trong đó có khá nhiều họa sĩ cũng nhờ ông François Depeaux, mà sau này trở nên nổi tiếng.

Cherbourg, Dieppe, Saint Lô, Caen, Honfleur, Louviers, Ouistreham, các viện bảo tàng tại các thành phố này đều tham gia vào chương trình ‘‘Vùng Normandie ấn tượng’’. Các cuộc triển lãm không chỉ dừng lại với các danh họa Pháp, mà còn được mở rộng sang các họa sĩ đến từ châu Âu, trong đó có các nghệ sĩ như Steinlen, Jansson, Regoyos Grimshaw hay là Gonzalès đến từ Thụy Điển, Đức, Bỉ, Hà Lan hay Tây Ban Nha.

Theo lời giải thích của ông Carl-Johan Olsson, trưởng ban quản lý triển lãm tại Bảo tàng Hoàng gia Thụy Điển ở Stockholm, vào những năm 1870-1880, có khá nhiều nghệ sĩ trẻ tuổi ở châu Âu đã muốn thoát khỏi các quy tắc nghệ thuật nặng tính hàn lâm tại đất nước của họ thời bấy giờ. Nhiều nghệ sĩ tiên phong không có ‘‘đất dụng võ’’, không tìm ra được nơi để tổ chức trưng bày các tác phẩm của họ. Đối với giới nghệ sĩ này, Paris tựa như là một vùng đất đầy hứa hẹn, tạo thêm nhiều điều kiện thuận lợi cho họ phát huy tài năng.

Quá khứ, hiện tại và tương lai, các họa sĩ thuộc trường phái ‘‘ấn tượng’’đã thay đổi triệt để cả nội dung lẫn hình thức trong nghệ thuật hội họa qua việc sử dụng màu sắc, lối tiếp cận tổng thể cũng như sắp đặt chi tiết và xa hơn nữa là cách khai thác ánh sáng tự nhiên, khi thì trực tiếp lúc thì phản chiếu, dùng nét vẽ chấm phá để gợi lên cảm giác trong suốt khi tia nắng xuyên qua cảnh vật, hay đục mờ khi ánh sáng bị cản lại.

Trong chiều hướng đó, khoảng 20 phòng tranh chuyên trưng bày các tác phẩm đương đại, phối hợp tổ chức triển lãm nghệ thuật nhiếp ảnh trong năm nay. Hầu hết các nghệ sĩ ở đây như James Welling, Stan Douglas, Michel Campeau, Catherine Opie, Barbara Kasten và Paul Graham, đều chụp ảnh như sáng tác một bức tranh trừu tượng. Trong cách dùng ‘‘pixel’’ thay thế cho bút cọ nét vẽ, trong cách sắp đặt và tương phản ánh sáng trong kỹ thuật in ấn, họ luôn tìm tòi thử nghiệm để tạo ra một tính thẩm mỹ khác lạ nhờ biết phối hợp các mảng màu sắc chấm phá. Hành trình thử nghiệm của giới nghệ sĩ thời internet và công nghệ số, cho thấy là phong trào hội họa ấn tượng vẫn còn ảnh hưởng mạnh mẽ cho tới tận ngày nay.

Nguồn: rfi.fr

 


© 2024 | Thời báo PHÁP



 

Related Articles

Liên hệ

logo thoibaophap trans white 160x65

Thời báo PHÁP

22-34 rue Jules Verne, Levallois-Perret

Paris 92300

Tìm bài