Cầu mưa: Không chỉ là một tư duy mang màu sắc mê tín, lạc hậu, ấu trĩ

Cầu mưa là một thực hành văn hóa - tâm linh phổ biến của nhân loại trong quá khứ. Ngày nay, nhiều vùng trên thế giới vẫn còn duy trì truyền thống này, ngay cả ở các nước hiện đại. Ở Việt Nam, nhiều sắc tộc thiểu số hiện vẫn còn lưu giữ.

Trên phương diện quốc gia, ngày xưa mỗi khi hạn hán kéo dài, vua sẽ đại diện cho cả nước đứng ra lập đàn cầu mưa. Lịch sử Việt Nam ghi nhận, từ thời nhà Lý nghi lễ này đã được tiến hành. Ngày nay, với văn hóa hiện đại, chúng ta nhìn lại thì thường có cảm nhận rằng đó là một tư duy mang màu sắc mê tín, lạc hậu, ấu trĩ... Tuy nhiên, không phải chỉ có thế.

Với quan niệm hữu thần và thiên - địa - nhân hợp nhất (trời, đất và con người là một thể), người ta khởi lên niềm tin rằng, thần thánh/ ông trời có thể tương dung, tương thông, nghe thấy được lời cầu xin của con người, chỉ cần họ có tâm chí thành.

Người ta nghĩ rằng, mọi tai họa dưới nhân gian là do sự sai trái, lầm lạc, xấu xa, độc ác của con người gây ra. Và người phải chịu trách nhiệm cao nhất chính là vua. Vì thế, trước khi cầu mưa (hay cầu những điều khác), nhà vua phải trai giới (ăn chay, tránh tà dâm, sinh hoạt trong giới đức...), phóng thích tù oan, thả bớt cung nữ, mở kho cứu đói cho dân, v.v..

Khi tất cả đã được thực hiện và giữ gìn tinh nghiêm sau một thời gian đủ dài, lúc đó lễ cầu mưa mới được tiến hành. Và người ta tin rằng, nếu cầu mà trời vẫn không mưa là do mình đã chưa chuộc hết tội lỗi, phải thành thật sám hối, tự kiểm điểm lại tất cả hành vi, phát tâm quyết rửa sạch và không ngừng hành thiện.

1 Cau Mua Khong Chi La Mot Tu Duy Mang Mau Sac Me Tin Lac Hau Au Tri

Không bàn tới sự phi lý trong quan niệm rằng mưa là do Ông Trời ban cho và con người có thể cầu mà được; nhưng ít ra người xưa tin rằng mọi thứ nên hư tốt xấu xảy ra đều là do ở chính mình.

Cái tư duy “tiên trách kỷ” này là một trong những nền tảng đạo đức quan trọng của người xưa mà nay đã trở thành xa xỉ. Vì nhiều lý do, có thể là nằm ngoài dự liệu, nhưng nó mang tới những suy nghĩ và hành xử có tính cảnh tỉnh và tự cảnh tỉnh, nó nhắc nhở con người biết sống thiện lương, tử tế, nỗ lực tạo công đức... Biết sợ (sợ thần thánh, sợ nhân quả, sợ luật pháp, sợ lương tri...), ở một một khía cạnh nào đó chính là đạo đức. Còn một khi đã “coi trời bằng vung” thì không việc ác nào không dám làm.

2 Cau Mua Khong Chi La Mot Tu Duy Mang Mau Sac Me Tin Lac Hau Au Tri

Nay thì không còn nữa.

Không những “tự nhận lỗi” đã trở thành một món đắt đỏ bậc nhất mà hơn thế, sự vô sỉ và ý thức lưu manh đã chiếm thế thượng phong. Quan chức từ nhỏ đến lớn và rất lớn lũ lượt kéo nhau vào lò vì tham nhũng, tàn bạo, phá nát nền tảng văn hóa, kinh tế và xã hội của đất nước. Ngay cả khi bị “kỷ luật”, bị bắt, phải ra trước vành móng ngựa rồi vẫn trơ tráo, quanh co, lấp liếm, đổ lỗi...

Bỏ sang một bên những chuyện tâm linh thì vẫn phải thấy rằng đây là sự phá sản về đạo đức.

Mà, thượng bất chính thì hạ tất loạn. Nếu “vua quan” hiểu rằng hạn hán có một nguyên nhân quan trọng là do phá rừng và không chăm lo trị thủy đúng mực thì họ sẽ nhận lỗi, “sám hối” bằng cách ban hành những chính sách phù hợp: bảo vệ rừng, trồng mới rừng, đầu tư xây đập, đắp đê ngăn mặn, dồn tài lực phát triển hệ thống nước máy sinh hoạt, đình chỉ mọi thứ lãng phí vào tượng đại, cổng chào, lễ lạt... Nhưng không. Một huyện nghèo bỏ ra 230 tỉ đồng để làm một cái lễ kỷ niệm, đó là việc làm mà cả trời và người đều oán giận.

Trong một đất nước mà từ vua quan đến người dân đều luôn biết tự xét mình, cảnh tỉnh mình, sống có trách nhiệm và hành động đúng với chức phận mình thì chưa cần trời giúp cũng là đã tự giúp mình. Đó cũng là một dạng “trời người là một”: con người tự định đoạt lấy cuộc sống và số phận của mình, con người tự làm “ông trời” của chính mình.

Nay cái thiêng (tin vào trời đất thánh thần) đã mất mà đạo đức cũng đã suy bại. Biết dựa vào đâu?

Nói thêm:

người xưa, có thể chỉ là vô tình nhưng đã chạm đến những nguyên lý rất hiện đại. Chúng ta biết rằng, vật lý lượng tử đã vén lên bức màn về sự “hợp nhất” giữa tinh thần (con người) và tồn tại (vật chất). Nó rất gần với phát biểu “vạn pháp duy tâm” trong Phật giáo. Tinh thần (niềm tin, ý chí, sự lương thiện...) sẽ ảnh hưởng một cách vô hình nhưng mạnh mẽ đến cái vũ trụ mà họ sống. Tinh thần có thể làm thay đổi “cảnh giới”. Ở đâu sự dối trá và cái ác ngự trị, ở đó bất an, tai họa trùng trùng; ở đâu lòng chân thật và sự lương thiện bao trùm, ở đó cây cối xanh tốt, chim muông mở hội, mưa thuận gió hòa.

Sự xuống cấp đạo đức không chỉ làm rối loạn xã hội do các hành vi sai xấu gây nên, mà sâu xa hơn: phá hủy các nền tảng sâu về “đạo của vật lý”/ tâm linh. Khi không còn biết sợ quỷ thần như quan niệm sơ khai, cũng không còn biết sợ nhân quả, lại lạm dụng quyền lực trong một nền tảng luật pháp nhiều hạn chế, thì tất yếu sẽ phải dẫn đến những tai ương, không thể khác được.

Nhà báo Thái Hạo

 


© 2024 | Thời báo PHÁP



 

Related Articles

Liên hệ

logo thoibaophap trans white 160x65

Thời báo PHÁP

22-34 rue Jules Verne, Levallois-Perret

Paris 92300

Tìm bài