Thấy gì từ cuộc đình công ở Pháp?

Từ cuộc đình công của công nhân đường sắt, đến nay, đình công đã “lan” sang nhiều lĩnh vực khác ở Pháp, gây thiệt hại về kinh tế, thậm chí là cả hình ảnh đất nước này.

Từ ngày 3/4, công nhân ngành đường sắt Pháp (SNCF) tiến hành các đợt đình công theo chu kỳ và kéo dài trong vòng 13 tuần lễ với lý do “bảo vệ một dịch vụ công cộng, chống lại tiến trình mở cửa cho cạnh tranh” và bảo vệ những đặc quyền của nhân viên ngành đường sắt.

Khởi đầu cho cuộc đình công này diễn ra trong bối cảnh dự luật cải cách quy chế từ công ty nhà nước thành công ty vô danh được đưa ra Quốc hội Pháp thảo luận.

Theo Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Guillaume Pepy, SNCF đã bị thiệt 100 triệu euro sau 2 ngày đình công trong đợt một.

Các đợt đình công liên tiếp sau đó của ngành đường sắt tuy không làm tê liệt hoàn toàn ngành chuyên chở công cộng của Pháp nhưng đủ gây khó khăn cho người đi làm và du khách. Bởi Pháp cũng như nhiều quốc gia châu Âu khác, việc sử dụng tàu hỏa đi làm, du lịch… là khá phổ biến.

Trước áp lực các cuộc đình công, nhưng cho đến nay, Chính phủ Pháp cương quyết không nhượng bộ các đề xuất cải cách chủ yếu như tái tổ chức SNCF, mở cửa thị trường chuyên chở đường sắt cho cạnh tranh, chấm dứt quy chế đặc quyền cho nhân viên mới tuyển dụng…

426 Content  C4 91 C3 Acnh C C3 B4ng
Các nhân viên của công ty Đường sắt Quốc gia (SNCF) tham gia đình công.

Nhưng lực lượng tham gia đình công của ngành đường sắt tuyên bố sẽ tiếp tục phong trào đình công có thể kéo dài đến sau ngày 28/6, điểm kết thúc theo thỏa thuận giữa các nghiệp đoàn công nhân.

Trong khi đó, giữa 2 đợt đình công của SNCF, nhân viên Hãng hàng không quốc gia Pháp Air France cũng tiến hành đình công trong ngày 10 và 11/4 khiến chỉ khoảng 75% các chuyến bay được bảo đảm trong ngày 10/4.

Theo lãnh đạo Air France, 7 ngày đình công không liên tiếp, từ 22/2 đến 11/4, có thể gây thiệt hại 170 triệu euro cho hãng này.

Thế rồi cùng với nhân viên ngành đường sắt và Air France, nhân viên Công ty Điện lực Nhà nước EDF cũng tiến hành bãi công để chống dự án nước Pháp mở cửa cho cạnh tranh. Trong khi đó, rác thải tại nhiều thành phố lớn như Paris và các vùng phụ cận hay Marseille trong những ngày tới sẽ ùn lên vì một phần nhân viên ngành vệ sinh công cộng đòi được công nhận họ làm những công việc nhọc nhằn và được quyền về hưu sớm.

Còn trong lĩnh vực giáo dục, sinh viên “chiếm đóng” hoặc biểu tình tại 13 trường đại học ở các thành phố lớn từ Lille đến Montpellier, từ Nantes đến Strasbourg phản đối biện pháp tuyển chọn sinh viên vào đại học.

Nhiều báo Pháp cho hay, các cuộc biểu tình, bãi công hay chiếm đóng trường học của sinh viên nói trên tạo ra “hình ảnh của một nước Pháp đang phần nào bị tê liệt”. Ngành du lịch, khách sạn và nhà hàng đang lo ngại vì lượng khách muốn tham quan nước Pháp sẽ sụt giảm, tác động xấu đến các ngành nghề và lực lượng hoạt động trong lĩnh vực này.

Theo nhiều nhà phân tích, các cuộc đình công của những ngành nghề nói trên đã làm thiệt hại hàng tỷ euro cho Nhà nước, giới chủ và cả người lao động. Nhưng điều quan trọng hơn cả là nó ảnh hưởng xấu tới hình ảnh nước Pháp và gần 90 triệu du khách đến mỗi năm cũng như các nhà đầu tư nước ngoài muốn tới làm ăn tại Pháp.

Nguồn baochinhphu

 


© 2024 | Thời báo PHÁP



 

Related Articles

Liên hệ

logo thoibaophap trans white 160x65

Thời báo PHÁP

22-34 rue Jules Verne, Levallois-Perret

Paris 92300

Tìm bài