Pháp “tuyên chiến” với tin giả

Pháp vừa giới thiệu nội dung dự luật về siết chặt kiểm soát thông tin trên mạng xã hội, nhằm hạn chế tối đa tin tức giả mạo và những tin đồn thất thiệt. Nếu dự luật được thông qua, Pháp sẽ gia nhập câu lạc bộ các nước châu Âu chính thức “tuyên chiến” với những thông tin sai lệch trên internet.

426 Content Phap 2
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết ngăn chặn nạn tin giả. (Ảnh: Reuters)

Thông tin sai sự thật (Fake news) trên các mạng xã hội đang gây nhiều hệ lụy ngày càng nghiêm trọng tại nhiều quốc gia. Nhiều nhà mạng từng đề ra các biện pháp mang tính kỹ thuật để ngăn ngừa luồng tin giả mạo. Cuộc chiến chống tin thất thiệt bước sang giai đoạn mới khi ngày càng có nhiều chính phủ các nước ban hành luật nhằm xử phạt người tung tin giả và cả các trang mạng cho phép đăng tải loại thông tin đó. Pháp là quốc gia mới nhất nỗ lực đưa dự luật chống tin giả mạo vào cuộc sống.

Theo thông tin được công bố hôm 7-3, dự luật siết chặt kiểm soát thông tin trên các trang mạng xã hội của Pháp gồm hai phần là các quy định mới và các quy định sửa đổi, bổ sung Luật Bầu cử hiện hành, với mục tiêu hạn chế tối đa tác động tiêu cực từ những thông tin thất thiệt đối với các cuộc bầu cử tại Pháp. Theo dự luật, trong thời gian diễn ra bầu cử, thẩm phán được trao quyền hạn khẩn cấp nhằm loại bỏ hoặc ngăn chặn những nội dung thông tin được coi là giả mạo; yêu cầu minh bạch những nội dung được bảo trợ, theo đó, các trang mạng xã hội phải cung cấp thông tin, minh bạch về danh tính đối tượng trả tiền quảng cáo trên các ứng dụng nếu số tiền vượt mức quy định. Thẩm phán cũng được phép đình chỉ, gỡ bỏ nội dung đăng tải bị cho là sai sự thật; yêu cầu đóng tài khoản, thậm chí có thể tước quyền truy cập internet…

Dự luật mở rộng quyền hạn của Cơ quan giám sát truyền thông Pháp (CSA), theo đó cơ quan này có quyền từ chối cấp phép hoạt động cho các kênh truyền hình có yếu tố nước ngoài bị cho là có thể gây xáo trộn đời sống chính trị của Pháp; đình chỉ phát sóng chương trình truyền hình nước ngoài bị đánh giá là gây tổn hại lợi ích quốc gia hay làm bất ổn thể chế nước Pháp. Dự luật còn “hình sự hóa” tội danh tung tin thất thiệt, theo đó phạt tù đến một năm và phạt tiền đến 75.000 Euro đối với đối tượng phát tán một cách có chủ ý và với số lượng lớn thông tin sai lệch ảnh hưởng đến kết quả bầu cử…

Dự luật trên được giới thiệu sau khi Tổng thống Pháp Macron hồi đầu tháng 1 tuyên bố Pháp sẽ tăng cường hệ thống luật pháp nhằm bảo vệ nền dân chủ trước nạn tin giả. Tại cuộc gặp các nhà báo nhân dịp năm mới 2018, lãnh đạo Pháp khẳng định, nếu xuất hiện việc phát tán tin giả, thì cần có công cụ nhằm phán xử, gỡ bỏ nội dung thất thiệt, xóa bỏ tài khoản người đăng và thậm chí chặn các trang mạng dung túng việc tung tin sai sự thật. Theo ông chủ Ðiện Ê-li-dê, mưu toan cố tình đưa thông tin kiểu không rõ ràng giữa sự thật và dối trá đang làm xói mòn niềm tin của người dân đối với chính phủ, với nền dân chủ Pháp. Bởi thế, các biện pháp giúp ngăn chặn phát tán tin giả là rất cần thiết. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, việc khó khăn là xác định thông tin sai lệch, nhất là làm sao có thể phân biệt được đâu là tin giả với các mục đích, thủ đoạn chính trị, đâu đơn thuần là thông tin theo kiểu tự do ngôn luận. Vì thế, các chế tài trong trường hợp này rất nhạy cảm, bởi ranh giới giữa hai loại thông tin trên, nói cách khác là giữa bảo vệ sự thật và vi phạm tự do báo chí, là hết sức mong manh.

Việc Pháp dự thảo luật chống tin giả mạo là hướng đi được hoan nghênh. Trước Pháp, năm 2017, Ðức đã thông qua luật xóa bỏ phát ngôn thù hận trên mạng xã hội, theo đó Facebook và các trang mạng xã hội ở Ðức phải sàng lọc và xóa các nội dung hay thông điệp mang tính chất kích động thù hận. Tại châu Á, Indonesia và Philippines cũng đã ban hành đạo luật trừng phạt tội tung tin giả mạo…

ÐĂNG QUANG

 


© 2024 | Thời báo PHÁP



 

Related Articles

Liên hệ

logo thoibaophap trans white 160x65

Thời báo PHÁP

22-34 rue Jules Verne, Levallois-Perret

Paris 92300

Tìm bài