Chủ Việt đã dạy khôn tôi như thế nào?

Cuộc sống ở xứ Người có phải là hạnh phúc khi gặp những người đồng hương hay những người cùng quê,…. Và cuộc sống sẽ như thế nào nếu chúng ta không biết tự vận động?,….Dưới dây là một câu chuyện có thật được chia sẻ trên hội nhóm “Hội Các Bà Mẹ Việt Ở Pháp”. Xin được trích dẫn lại để mọi người tham khảo, chia sẻ và đồng cảm….

“25 tuổi em ra trường với tấm bằng ĐH ngành communication. Ngày ra trường La Rochelle có bão. Tất cả đều âm ù mù mịt. Nó như báo trước một tương lai chẳng thấy gì là sáng sủa của em các Mẹ ạ. Em bỏ quê lên thủ đô vì được nhận học tiếp Master.

Paris tấp nập và sầm uất. Em háo hức bước tiếp cho xong phận học hành. Nhưng trên đời này cái quái gì cũng có thể xảy ra được. Bố em lâm vào cờ bạc đề đóm. Nhà mất, hàng quán theo đó cũng dẹp luôn. Các chị ạ, đã ai thấy cảnh tan tác của một nhà nó thế nào chưa ? Em chị thấy sợ và tủi. Bố bỏ trốn vào nam. Mẹ và em trai về sống tạm ở nhà ông bà Ngoại trong cảnh cùng cực, và nguy hiểm vì hàng ngày phải đối diện với xã hội đen đòi nợ. Em bên này chỉ tức muốn ói máu, giận đến tím tái bản thân. Em vơ vét tất cả số tiền mình tiết kiệm được (khoảng gần 3000€ cho năm học tới) gửi về VN giúp mẹ trả nợ được phần nào. Thứ duy nhất lúc đó trong đầu em là Tiền, phải kiếm tiền. Em bỏ học, bán sức lấy tiền….

Em đến với công việc này qua một cô người Việt giới thiệu: bán hàng hội chợ cho một chị tên V ở khắp các tỉnh và nhiều nước lân cận Pháp như Bỉ, Ý, Thụy sĩ …. Lương thỏa thuận. Lại là lương thỏa thuận… 35€ cố định cho một ngày làm việc, bán được bao nhiêu sẽ hưởng 10% lợi tức số đó. Nếu một ngày bán được 100€ thì em có 10€ lợi tức và 35€ tiền lương, tổng cộng là 45€. Chị chủ bao ăn ở và phương tiện đi lại (chủ yếu là oto). Em nhận ra một điều, tuy công việc rất vất vả nhưng có cơ hội kiếm được tiền nhanh nhất.

Thời gian làm việc ở đây đã thay đổi em chóng mặt, thậm chí biến em thành một con đàn bà chua ngoa, tính toán và biết tranh giành. Chẳng là, chị chủ này giống như địa chủ ngày xưa, bắt mọi người phải cạnh tranh để bán được nhiều nhất, ai ít khách ít tiền thì chị cằn nhằn cho cả ngày, điếc tai thì thôi, và cuối cùng là cho nghỉ việc… Nhiều bạn mới đến làm cũng không chịu nổi áp lực một ngày em phải bán được 500, 700, 1000 … nhanh chóng tự bỏ việc hoặc bị đuổi việc. Em làm cho chị ấy hơn 1 năm từ con số không tròn trĩnh dần dần đi lên. Những ngày đầu rát họng, khản tiếng, chân đau không nhấc nổi vì phải chạy mời khách, thuyết phục mua hàng trong vòng 12-13 tiếng/ngày, vậy mà bán chỉ được 200€. Em không nản lòng bởi trong đầu em chỉ có kiếm tiền lúc đó, chỉ có tiền mới có thể giúp mẹ và em trai em. Em nhẫn nhịn nghe chửi, không nói bất kỳ câu nào với mọi người trong nhóm bán hàng, tiết kiệm nước bọt cho khách. Rồi cũng có ngày em bán được 2000€, có lợi tức hưởng 200€ và thưởng 50€. Những ngày may mắn như thế em kiếm được 200-300€. Giống như chị chủ ấy nói: đây là cách kiếm tiền nhanh nhất. Hơn một năm bán hàng ở đó, em kiếm dành được hơn 25.000 euros. Đúng là đời, em đc 25.000 nhưng nghĩ kĩ lại mình đã kiếm cho chị ấy trên 200.000 rồi đấy).

Hầu như đều gửi về nhà để trả nợ. Ở các quầy bán hội chợ của chị, về sau em gần như bá chủ, chả ai tranh nổi. Nghĩ lại thời gian đó em thấy mình thật ghê gớm và quá quắt. Thứ em học được, nói đúng ra là buộc phải học là sự cạnh tranh, chèn ép và tự bảo vệ mình. Có mấy người bán chung ghét em lắm. Họ đến trước, kinh nghiệm hơn nhưng hiệu quả thấp hơn em. Rồi họ tụm lại đá em. Nguyên một sáng em không bán được xu nào vì đối phương chia nhau đứng khắp ngả chặn khách, em đi đến đâu là họ theo đến đó giành khách. Em may mắn cũng túm được một căp vợ chồng đi chơi hội. Họ đồng ý mua cho em khoảng 200€ tiền hàng. Khi em đang tính tiền thì chị chủ ra (chuyên gia đi làm muộn, muộn có nửa ngày chứ mấy), nhóm kia xúm lại “mách vốn” với chủ kêu là em giành khách của họ và đòi chia đôi số tiền đó. Em im lặng không nói như bao tháng qua. Họ tưởng ăn được xúm vào cấu xé, tuôn ra hàng tràng khó nghe. Các chị biết em xử sao không ? Các cụ dạy rồi: đánh giặc phải chém tướng trước. Em nhìn ra và biết ai đứng đầu nhóm. Ả áo vàng. Chuẩn luôn. Tay trái túm cổ áo ả kéo đứt vài cái cúc quăng nhanh xuống đất, tay phải cầm kéo chĩa trước mặt lạnh tanh nói: mày có tin hôm nay mày chết nơi đất khách không? Tất cả chỉ diễn ra trong 10s, không ai kịp phản ứng, khi buông tay ra thì thấy nàng ta mặt tái mét rôi. Em chỉ nhẹ nhàng một từ cuối cùng: CÚT. Từ đó ai làm công việc người aya, chả ai nói gì nữa, kể cả chị chủ quầy đang đứng ngay cạnh.

Một hội chợ cuối năm ở Paris – nơi hốt bạc theo chị chủ đánh giá. Chị huy động 12 người bán hàng một lúc vì như chị nói như vậy mới đủ cung ứng (năm ngoái thấy bảo bán đc khoảng 30 ngàn cơ đấy). Như số chị đen. Đen như than. Chắc bả quên cúng chùa. Có hai hàng, một của Phi, một của Rệp bán chung mặt hàng với chị chềnh ềnh trước mặt. Chưa kể, quầy nó to hơn, deco đẹp hơn và quan trọng hơn là bán rẻ hơn. Khà khà. Chuyện này vui. 3 ngày không bán được hàng như í muốn, chỉ cho 5 em về quê chăn vịt, giữ lại 7 đứa bán hàng tốt nhất. Ngày xấu trời, đám bán hàng 3 nhà tủa ra như lợn con lạc mẹ, chạy khắp bản đồ hội chợ chào khách. Haiz. Rồi thì cái gì đến nó cũng đến. Một núi ai để 3 hổ ngồi, miếng ăn đến tận mõm còn bị giằng mất, ai chả cáu, ai chả tức, toàn cà khịa nhau nói đểu nhau. Hôm đó con đen đen hàng kế bên chửi bà chị cùng team em là tại sao chạy thế nào quệt vào nó mà không xin lỗi. Bà chị thì đang vội khách, kệ đời nó, cho nó chửi, mồm liền tai, chửi rồi tự nghe. Mà mẹ đời, mấy bà đen đúng là chúa bám dai, dai hơn đỉa đỏi, cắn mãi không chịu nhả. Mấy ông con trai bên này thì cũng chả lo chuyện dời ơi đất hỡi đàn bà, mấy bà kia thì tự nhiên hôm nay câm như hến, thế là em cũng qua lại vài câu, rồi chửi nhau vài chục câu chả kém nó là bao. Cái bực bội nó làm mình lú lẫn, hai con lao vào đánh nhau từ lúc nào không hay. Nó giật được tóc của em đau điếng. Em cũng giật tóc nó mà trời không thương em, bứt ngay phải mớ tóc giả, chắc nó chả đau lắm. Cả góc chợ náo loạn, tanh bành và bê bết. Rồi mỗi bên bê người của mình ra. Lát sau thấy xe cảnh sát đến xúc 2 đứa đi (kèm theo 2 đứa chủ nữa là 4). Lần đầu tiên trong đời được biết cái sở cảnh sát là thế nào. Giữa cái cảnh sắc trang nghiêm sắc lạnh ấy 1 con da đen 1 con da vàng vẫn không thôi chửi nhau, tiếng pháp tiếng anh tiếng phi tiếng việt lẫn lộn. Dù là tiếng gì thì ai cũng hiểu là hai con đấy đang chửi nhau. 2 con bị bê sang hai nơi khác nhau. Về sau em em mới biết là 2 chủ sợ quắn đít, chạy vạy xin xỏ lắm lắm (vì còn làm ăn lâu dài). 2 con điên được tha và bị cấm quay lại hội chợ …

Nhưng cái ngã rẽ của đời em lại chính từ cái sở cảnh sát ấy, từ căn phòng mà anh cảnh sát đang lấy lời khai của em. Có lẽ là số trời đặt rồi. Không hiểu tại sao em có niềm tin với tên cảnh sát ấy – người mà 2 năm sau em gọi là chồng sau một hôn lễ có sự chứng kiến của cả cái đồn cảnh sát ấy, tất nhiên là em còn nhận ra mặt 2 ông police đã xúc em lên xe năm đó như xúc rác ….

Chuyện với anh cảnh sát bỏ đó các chị nhé. Những tâm sự về việc làm noir của em được chồng em phân tích tỉ mỉ, thiệt hơn thế nào, nguy cơ làm sao. Hơn một năm làm ở đó ( và cả trước đó) để quan sát, em thấy chủ Việt (và chủ châu á) sợ hai thứ. Hai thứ đó nếu ai nắm được nó, họ tán gia bại sản có ngày:

¥¥ thứ nhất là inspection du travail, nôm na là nơi quản lí người làm

¥¥ thứ hai là hygiène, chính là vệ sinh thực phẩm và an toàn gia công chế biến …”

Theo Lý Thu Thủy/ Hội Các Bà Mẹ Việt Ở Pháp

 


© 2024 | Thời báo PHÁP



 

Related Articles

Liên hệ

logo thoibaophap trans white 160x65

Thời báo PHÁP

22-34 rue Jules Verne, Levallois-Perret

Paris 92300

Tìm bài