Ước mơ đổi đời và những giọt nước mắt nơi xứ người

Đồng tiền kiếm được nơi xứ người luôn mang nặng cơ cực, có khi mồ hôi chưa kịp ráo cũng là lúc tiền tuột khỏi tay. Ra đi vì cuộc sống, mong có lúc thay đổi cuộc đời. Thế nhưng theo cách ấy có bao nhiêu phận người thành công.

132 1 Uoc Mo Doi Doi Va Nhung Giot Nuoc Mat Noi Xu Nguoi

132 2 Uoc Mo Doi Doi Va Nhung Giot Nuoc Mat Noi Xu Nguoi

Sau khi qua biên giới, người lao động sẽ đi theo trục đường chính này để vào sâu trong nội địa đất Campuchia, sau đó theo đường tiểu ngạch đến Thái Lan.

Rời lũy tre làng

Chiếc xe bus chạy tuyến TP. Hồ Chí Minh - Tây Ninh đón khách tại trạm Củ Chi. Anh Nguyễn Văn Hoàng vội vã chia tay chúng tôi, lòng còn đầy tâm sự.

Hoàng vừa bước sang tuổi 27, nhưng có tới hơn 5 năm phiêu bạt xứ Chùa Vàng. Hoàng bảo, không biết đến khi nào đôi chân này mới được dừng nghỉ, bởi trên vai anh là gánh nặng cuộc sống của cha mẹ già, em út khù khờ, vợ trẻ và tương lai của hai đứa con thơ dại lúc nào cũng mong ngóng đợi chờ sau lũy tre làng. Từ quê hương Hà Tĩnh, Hoàng vào TP. Hồ Chí Minh rồi bắt xe bus lên Tây Ninh để qua biên giới Campuchia sau đó sang Thái Lan làm việc.

Nói thế cho oai chứ thực ra là lao động "chui", không giấy tờ thông hành. Hoàng không nhớ nổi đã đi qua bao nhiêu tuyến đường, vượt qua bao nhiều ngọn núi để sang tới tỉnh Chonburi, nơi này cách Thủ đô Bangkok khoảng 100km. Tại đây, Hoàng làm dynamo, chuyên sửa chữa máy điện.

Ở Thái Lan nghề dynamo hiểu rộng hơn, bao gồm cả sửa chữa động cơ. Hoàng chỉ là thợ phụ đi khuân vác đồ nghề hoặc chân sai vặt cho thợ chính. Thu nhập mỗi tháng của Hoàng giao động từ 9 - 10 triệu đồng, bao ăn ở. Với mức lương như thế, Hoàng gửi về quê đều đặn cho gia đình. Cuộc sống ở quê tương đối ổn định nếu Hoàng chăm chỉ làm việc.

Đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên Hoàng không thể "xuất ngoại" được. Ở nhà, gần chục miệng ăn trông chờ vào 3 sào đất mùa trồng bí, mùa trồng ngô, vừa rồi bão lũ tràn về cuốn phăng mùa ngô, coi như mất trắng. Hoàng ra TP. Vinh (Nghệ An) xin làm phụ hồ công trình nhưng bữa được bữa không. Giữa tháng 10 này, tình hình dịch bệnh ổn, ông chủ bên Thái Lan gọi sang, Hoàng mừng như bắt được vàng, cứ reo vui trong lòng.

Đang chuẩn bị lên đường thì bão ập vào miền Trung, nhà Hoàng ở huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) lũ lụt gần chạm nóc nhà cấp 4, cả gia đình phải đi sơ tán. Khi trở về, nhà chỉ còn trơ lại khung, loang lổ bùn đất, 3 con dê và mấy mái gà đang ấp theo nước lũ "về trời". Mẹ Hoàng gục xuống than trời trách đất. "Nhìn cảnh nhà mà lòng em như xát muối, lực bất tòng tâm, tuyệt vọng vô cùng", Hoàng buồn bã nói. Ở nhà dọn dẹp nhà cửa xong, Hoàng tức tốc lên đường. Ngày đi, vợ phải bán chỉ vàng, là của hồi môn cha mẹ cho ngày cưới, làm lộ phí.

Nơi Hoàng làm việc có nhiều người Việt, cùng quê Hà Tĩnh, Nghệ An. Nhưng cảnh tha hương cầu thực, ai cũng lo thân mình, lo kiếm tiền, tình cảm là thứ gì đó xa xỉ lắm. Hoàng kể, ở xưởng bên cạnh có thằng em cùng quê tên Tuấn vừa sang làm việc được hơn một tháng thì tai nạn máy cưa đứt lìa 2 ngón tay. Người chủ đưa đi bệnh viện băng bó, nghỉ ngơi một tuần rồi ông cho tiền tàu xe về. Tuấn buồn và thất vọng, nghĩ về thì mang nỗi nhục, rồi nợ nần lấy gì mà trả. Tuấn quyết không về, chờ cho tay khỏi hẳn thì đi xin việc làm khác.

"Người quê nghĩ chúng tôi là đại gia"

Khu vực Suthipon-Khwan Wattana thuộc địa hạt Din Deng ở Thủ đô Bangkok (Thái Lan) là nơi anh Nguyễn Tiến Cường (45 tuổi, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cùng hàng trăm người Việt từ các tỉnh miền Trung sang làm việc trong các cơ sở dệt may. Những ngày quê nhà bị hoành hành bởi bão lũ, anh Cường tranh thủ trở về giúp vợ con khôi phục lại căn nhà và mảnh vườn vừa bị nước quét qua, tan hoang hết cả. Căn nhà được sửa sang tạm ổn, anh Cường lại tất tả lên đường. Lần ra đi này, trên vai anh gánh thêm khoản nợ ngân hàng sắp đến kỳ đáo hạn, khoản vay nóng cho đứa con gái vào TP. Hồ Chí Minh học đại học. Ước mơ của con nằm gọn trên đôi vai bé nhỏ của cha.

Thương đứt ruột nhưng vẫn phải dứt áo mà đi, ở nhà nhìn nhau càng đau như cắt. Vào thành phố, anh Cường chạy vội qua phòng trọ của con gái ở Thủ Đức, cha con ăn với nhau hộp cơm bụi, nhìn con bé xanh xao hốc hác, anh Cường dúi cho con 500.000 đồng, dặn mua gì ngon mà ăn cho khỏe.

132 3 Uoc Mo Doi Doi Va Nhung Giot Nuoc Mat Noi Xu Nguoi

Một trong những chuyến đi trên hành trình mưu sinh xa xứ của Hoàng.

Cả chặng đường hơn trăm cây số về biên giới, anh Cường nơm nớp lo lắng "thủ tục" vượt biên có suôn sẻ không. Chuyến xe xuyên màn đêm, từ đất Campuchia lao vun vút sang đất Thái Lan qua đường tiểu ngạch. Những phận người lao động "chui" như anh Hoàng, anh Cường phó mặc mạng sống cho lái xe. Tính từ đất Việt Nam, qua Campuchia cho tới đất Thái, mất gần 1.000 cây số, một chặng đường đằng đẵng những khổ ải, lo lắng, hoảng sợ.

Anh Cường làm công nhân may cho một công ty gia đình ở gần khu chợ   Pratunam.

Người Việt khéo léo trong nghề may, lại chăm chỉ nên được các chủ người Thái rất mến mộ, họ luôn ưu tiên tuyển dụng người Việt. Anh Cường hưởng lương theo sản phẩm, mỗi chiếc quần được chủ trả 17 baht (12.000 - 13.000 đồng) công việc bắt đầu từ 10 giờ sáng đến 12 giờ đêm. Trung bình mỗi ngày, anh Cường làm được 50 chiếc quần. Nếu làm quần quật cả tháng trời, không nghỉ ngày nào, anh Cường có thu nhập gần 20 triệu.

Để tiết kiệm chi phí, anh Cường cùng nhóm công nhân người Việt xin ở trên gác xép xưởng may. Một ngày, công ty cho một bữa ăn trưa, còn lại tự túc. Buổi sáng, anh Cường ăn bánh, trưa ăn cơm miễn phí nên ăn thật nhiều, thật no để tối chỉ cần ăn chiếc bánh nữa là ổn. Mọi thứ đều được cân đong từng li từng tí, mỗi đồng tiền tiêu pha phải thật cần thiết và xứng đáng.

Sang đất Thái được hơn 3 năm mà anh Cường còn chưa một lần đi chợ Pratunam. Khu chợ nổi tiếng không chỉ với dân bản địa mà cả khách nước ngoài. Chợ có rất nhiều quầy hàng buôn bán quần áo, các mặt hàng trang sức, đồ thủ công mỹ nghệ phong phú, độc đáo với mức giá cực rẻ. "Đến ốm đau chúng tôi còn không nghỉ làm. Thời gian ở đây quý như bạc vàng. Mình nghỉ một ngày công, coi như mất gần triệu bạc, số tiền đó ở quê làm được biết bao việc", anh Cường lý giải.

Năm ngoái, vợ chồng anh Cường tích góp được chút tiền, vay thêm ngân hàng và xây một căn nhà 3 tầng khang trang, bề thế. Người làng nhìn vào cơ ngơi đấy xuýt xoa, tấm tắc khen anh Cường tài giỏi, đi nước ngoài có vài năm mà trở thành… đại gia. Nụ cười anh Cường lắng vào trong, phận làm thuê xứ người nào ai thấu.

Nguồn: Ngọc Hoa/ cstc.cand.com.vn

 


© 2024 | Thời báo PHÁP



 

Related Articles

Liên hệ

logo thoibaophap trans white 160x65

Thời báo PHÁP

22-34 rue Jules Verne, Levallois-Perret

Paris 92300

Tìm bài