Pháp: Các ứng dụng chuyên tránh phung phí thức ăn

Ở đây tùy theo đồ ăn có sẵn, đầu bếp sẽ chế biến một món ăn đặc biệt trong ngày và như vậy thay vì có một thực đơn cố định, khách hàng lại có một món ăn khác biệt mỗi ngày, nhưng không phải là do họ tự chọn lựa, mà theo đề nghị của đầu bếp ‘‘tùy cơ chế biến’’ món ăn.

Tại Pháp, có tới hơn 1,5 triệu tấn thực phẩm bị vứt bỏ hàng năm. Khối lượng này tương đương với hàng chục triệu bữa ăn mỗi ngày. Theo kết quả điều tra gần đây của Cơ quan quản lý môi trường và năng lượng ADEME, mỗi ngày có hơn 4.500 tấn thức ăn bị vứt vào thùng rác, phần lớn là đồ tươi ‘‘dư thừa’’ cũng như thực phẩm chế biến đã quá hạn.

132 1 Phap Cac Ung Dung Chuyen Tranh Phung Phi Thuc An

Một phố có nhiều hàng quán ở trung tâm Lyon, miền trung nước Pháp. Ảnh chụp ngày 10/10/2020. AP – Laurent Cipriani

Riêng trong ngành nhà hàng và các dịch vụ buffet, mức phung phí được ước tính từ 15% đến 20%, tương đương với 250 ngàn tấn thực phẩm bị vứt bỏ. Một trong những lý do chính dẫn đến tình trạng này là vì các nhà hàng mua và trữ thức ăn quá nhiều so với nhu cầu phục vụ thực khách. Lượng thực khách không phải là dễ đoán, trong chiều hướng đó các ứng dụng như “La Fourchette’’, “To Good To Go’’ hay là “RES & CO’’ đang đi tìm những giải pháp thay thế.

Thực khách cũng chưa biết ngày mở lại các hàng quán (sớm lắm là vào ngày 20/01/2021) nhưng họ vẫn có thể đặt mua, mô hình này giúp tránh phung phí các loại thực phẩm nấu tại chỗ. Còn trong các siêu thị, “Too Good To Go” liệt kê danh sách các chợ chuyên bán các sản phẩm dành cho ngày lễ cuối năm, nay với giá -50%.

Thức ăn trữ quá nhiều so với nhu cầu

Nói thì dễ nhưng làm thì khó. Trong suốt mùa dịch Covid-19, các quy định giãn cách xã hội bây giờ lại được kèm thêm với lệnh giới nghiêm (buộc dân Pháp phải về nhà trước 6 hay 8 giờ tối), khách hàng nói chung có xu hướng nấu ăn tại nhà và bớt mua các món ăn nhà hàng. Dù muốn hay không, cuộc khủng hoảng y tế tác động đến tâm lý chung của người tiêu dùng, người Pháp có vẻ ngày càng trở nên ‘‘tiết kiệm’’ hơn trong chuyện mua sắm hay ăn uống.

Kể từ khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ và nhất là trong những tháng gần đây, ứng dụng ‘‘La Fourchette’’ (tiếng Anh là The Fork) luôn khuyến khích các thành viên đặt mua món ăn nhà hàng thông qua danh sách các tiệm ăn hạ giá đến 50% trên các thực đơn bình thường. Các thành viên ‘‘La Fourchette’’ đăng ký trước một khung giờ ấn định và như vậy chủ tiệm ăn có thể biết số bữa ăn giao trong ngày cho thực khách.

Việc đặt mua cũng là một trong những cách hữu hiệu, để tránh phung phí đồ ăn. Các đầu bếp theo trường phái ‘‘locavore’’ tức là nấu món ăn với các thực phẩm hay đặc sản địa phương cũng như các chủ nhà hàng chuyên bán thức ăn tươi, nấu ở nhà có thể tiết kiệm được khoản tiền ‘‘đi chợ’’, khi chỉ mua những thực phẩm cần dùng trong ngày hay vào dịp cuối tuần.

Sáng kiến hạn chế việc phung phí đồ ăn

Sau mạng ‘‘La Fourchette’’, nay đến phiên ứng dụng “RES&CO’’ được cho ra đời nhằm phục vụ cả hai vế : giảm giá đối với những thực khách thích các món ăn nhà hàng, đồng thời khuyến khích khách hàng chọn nhưng quán ăn có chủ trương tránh phung phí thực phẩm. Ứng dụng này có phần giống như sáng kiến ‘‘Too Good To Go’’. Thay vì vứt bỏ thức ăn dư thừa, các nhà hàng, khách sạn, tiệm bánh, siêu thị đều có thể làm thành những ‘‘giỏ hàng’’ dùng trong 24 hay 48 giờ với giá thật mềm.

Được thành lập bởi cô Stéphanie Orrico Grima, một sinh viên trẻ tuổi ngành quản trị kinh doanh, ứng dụng‘‘RES&CO’’ liệt kê các tiệm ăn, nhà hàng cùng đeo đuổi một mục tiêu là hạn chế tối đa phung phí. Sáng kiến của ứng dụng này nằm ở chỗ đảo ngược cung và cầu.

Giải pháp này có cả ưu điểm lẫn khuyết điểm. Điểm yếu đầu tiên vẫn là thực đơn hàng ngày của mỗi nhà hàng tuy là món ăn tươi, nhưng không thể nào phong phú, đa dạng. Để tránh vứt bỏ thức ăn ‘‘dư thừa’’, đầu bếp ngay từ đầu phải học cách hạn chế các thành phần chế biến.

Ngược lại, ưu điểm lớn nhất vẫn là giá mềm của các thực đơn. Hiện giờ trên mạng ‘‘RES&CO’’, có khoảng 50 nhà hàng đăng ký tham gia mỗi ngày, thực đơn bao gồm nhiều món ăn khác nhau kể cả món Pháp, Ý, Thái, Nhật, Ấn Độ, Maroc hay là Mali. Các món ăn đến từ bốn phương trời hiện diện trên cùng một ứng dụng, các nhà hàng chuyên bán hải sản, pizza, sushi, poke bowl nằm bên cạnh các món mặn truyền thống của Pháp.

Món ăn trong ngày bán với giá thật mềm

Đổi lại các món ăn nấu trong ngày (kể cả thực đơn ‘‘giờ chót’’ của đầu bếp) được bán với giá mềm hơn, tính trung bình từ -30% đến -60% so với giá chung của các món ăn trên thực đơn thông thường. Thực khách khi chọn trên ứng dụng các món ăn trong ngày, tham gia vào quá trình hạn chế phung phí thực phẩm. Khách hàng đặt món ăn trên mạng và sau đó có thể đến lấy tại nhà hàng hoặc là giao tận nhà. Về phía các chủ hàng quán đăng ký ứng dụng, giá của các món ăn thích hợp với mọi túi tiền, rẻ nhất là các món ăn nấu trong ngày với giá 7 euro một đĩa, đắt nhất là các món ăn nấu với hải sản hay cá tươi, lên tới 25 euro một phần.

So với mạng ‘‘La Fourchette’’ (tồn tại từ nhiều năm qua cho nên có nhiều danh sách nhà hàng theo chuyên đề dành cho nhiều đối tượng cũng như nhiều gu ăn uống khác nhau), ứng dụng “RES&CO’’ chỉ mới ở trong giai đoạn phát triển đầu tiên, cho nên hy vọng rằng thời gian tới sẽ thu hút thêm đông đảo người tham gia đến từ cả hai phía : các nhà hàng đối tác cũng như các thành phần thực khách quan tâm đến việc bảo vệ môi trường thông qua nguồn cung ứng thực phẩm.

Tránh phung phí thức ăn vẫn là trọng tâm của dự án này, chủ nhà hàng cũng như người tiêu dùng đồng góp phần quan trọng vào quá trình bớt lưu trữ những thực phẩm không cần thiết, để rồi biến nhu cầu thành thói quen, khi người tiêu dùng tự động bớt phung phí khi không để nhiều thức ăn tồn đọng trong tủ lạnh.

Nguồn: rfi.fr

 


© 2024 | Thời báo PHÁP



 

Related Articles

Liên hệ

logo thoibaophap trans white 160x65

Thời báo PHÁP

22-34 rue Jules Verne, Levallois-Perret

Paris 92300

Tìm bài