Những điều chưa kể về công nghiệp hàng cao cấp Pháp

Có đến 130 trong số 270 thương hiệu cao cấp thế giới là của Pháp, chiếm đến ¼ doanh số bán toàn cầu.

Để có được thành công này, nước Pháp mất đến một thế kỷ để gầy dựng ngành công nghiệp hàng cao cấp, nhờ vào những đóng góp khoa học – kỹ thuật của nhiều nghệ nhân, nhưng đôi khi cũng bằng những thủ đoạn không mấy gì vinh quang : Gián điệp công nghiệp, xúi giục bỏ việc và kể cả bắt cóc, nếu cần!

132 1 Nhung Dieu Chua Ke Ve Cong Nghiep Hang Cao Cap Phap

Cuộc trường chinh gian nan này trải qua ba giai đoạn. Câu chuyện bắt đầu dưới thời vua Louis XIV – hay còn được gọi là Vua Mặt Trời, thế kỷ XVII. Vào thời kỳ này, vương quốc Pháp, tuy đông dân nhất châu Âu với khoảng 20 triệu dân, chủ yếu sống dựa vào nông nghiệp, nhưng kinh tế kiệt quệ, ngân sách trống rỗng. Sử gia Philippe Minard, trường đại học Paris 8, trong chương trình phim tài liệu « Sáng tạo hàng cao cấp theo kiểu Pháp » do đài truyền hình Arte thực hiện, nhắc lại bối cảnh nước Pháp thời bấy giờ.

« Triều đại Louis XIV năm 1661 khởi sự một cách khó khăn, bởi vì Pháp vừa ra khỏi một thế kỷ nội chiến do chiến tranh tôn giáo, nửa thế kỷ chiến tranh bên ngoài lãnh thổ với việc hầu như toàn châu Âu chống lại Pháp, rồi hơn 4 năm loạn lạc gây chia rẽ đất nước lâu dài, vốn dĩ đã bị tàn phá nặng nề về mặt kinh tế. Do vậy, mối bận tâm chính của Colbert là vực dậy nền kinh tế nước Pháp ».

Vương quốc « khởi nghiệp »

Khi cho tiến hành tổng thanh tra toàn quốc về tình hình sản xuất trong nước, Jean-Baptist Colbert, bộ trưởng Tài Chính lúc bấy giờ, phát hiện ra rằng nhập khẩu của Pháp cao hơn xuất khẩu gấp hai lần, chủ yếu là những sản phẩm cao cấp, một trong số các nguyên nhân chính dẫn đến thâm hụt cán cân thương mại.

Theo ước tính, giới quý tộc Pháp chi mỗi năm đến 17 triệu đồng bảng để mua các mặt hàng xa xỉ đó, tương đương với ¼ nguồn thu ngân sách. Và cuộc tổng thanh tra này cho thấy rõ một yếu điểm lớn : Nước Pháp tụt hậu, chậm trễ trong việc phát triển ngành công nghiệp !

Mang tư tưởng trọng thương, Colbert tin nhiều vào lợi ích của thương mại hơn là những cuộc chinh phục quân sự. Ông đề xuất với vua Louis XIV một chiến lược phát triển kinh tế triệt để, biến nước Pháp thành chiếc lò nung ra những dòng sản phẩm cao cấp. Mục tiêu không chỉ ngăn chận lớp khách hàng sang trọng trong nước làm giầu cho những vương quốc khác, mà nước Pháp còn có thể xuất khẩu và lấp đầy két tiền bằng những đồng vàng nước ngoài.

Chỉ có điều Pháp không có lấy một dòng hàng cao cấp, cũng như không có một công thức sản xuất nào của những mặt hàng trên, do mỗi xứ gìn giữ một cách kỹ lưỡng bí quyết chế tạo. Thế nên, theo giải thích của nhà nghiên cứu sử học Philippe Minard, bước đầu tiên Colbert phải làm là tìm cách sao chép lại các kỹ nghệ đó. Nhưng bằng cách nào ? « Bằng mọi giá phải tìm cách chiếm hữu những kỹ nghệ đó và Colbert sẽ chơi cùng lúc hai chiêu thức. Giải pháp nhẹ nhàng là dùng tiền chiêu dụ những người làm công có tay nghề lão luyện hay các nghệ nhân bậc thầy từ khắp nơi trên thế giới. Mạnh bạo hơn, đó là gởi người đi dọ thám và tìm cách đánh cắp kỹ nghệ rồi đưa về Pháp. »

Và những mặt hàng cao cấp đầu tiên mà Colbert nhắm đến chính là gương kính và các loại hàng thủy tinh của Ý, vải dạ sợi mịn Hà Lan, gốm sứ Trung Quốc, những nguồn hàng làm « chảy máu » tài sản quốc gia nhiều nhất. Nhà báo Laurence Picot, tác giả tập sách « Những bí mật của hàng cao cấp », đưa ra ví dụ khá ấn tượng : Một tấm kính cao 1m20 trị giá bằng một tòa lâu đài. Những sản phẩm thủy tinh đẹp nhất nằm ở thành Venise, nhưng kỹ nghệ được chính quyền bảo mật kỹ lưỡng. Đề phòng bị tiết lộ, chính quyền Venise còn áp đặt những quy định nghiêm ngặt, biện pháp trừng phạt có thể lên đến án tử hình những ai vi phạm.

Tất cả những khó khăn đó không ngăn cản được tham vọng của vị bộ trưởng tài chính. Đảo Murano thành Venise, thành phố Leyde của Hà Lan, Cảnh Đức Trấn – « thủ đô gốm sứ » của Trung Quốc… lần lượt trong tầm ngắm của Colbert. Tại những nơi đó, Colbert gởi phái viên mật hay nhờ đến sự trợ giúp của các linh mục – đảm trách đại sứ tại chỗ để mua chuộc, dụ dỗ hay dọ thám sao chép kỹ nghệ.

Và một trong những phi vụ dụ dỗ ngoạn mục đầu tiên đáng nhớ là việc thuyết phục được chủ xưởng dệt, Josse Van Robais – một người theo đạo Tin Lành của Hà Lan đến Pháp lập xưởng cùng với 50 thợ tay nghề cao và 30 cỗ máy dệt, bất chấp những rủi ro xung đột tôn giáo mà Pháp vừa chấm dứt.

« Đối với Colbert, vốn dĩ có tính thực dụng, kết quả mới là điều quan trọng. Do vậy, ông không quan tâm đến việc đó là người nước ngoài, da trắng, da đỏ hay da đen, Công Giáo hay Tin Lành. Điều cốt lõi chính là người đó tạo ra được những gì mà họ đề nghị làm và nhất là đào tạo ra một lớp thợ, rồi sau đó người Pháp có thể tự làm bước kế tiếp. »

Chuyện kể rằng khi thành Venise phát hiện bị thất thoát nhiều thợ tay nghề cao, sau nhiều lần đe dọa những người bỏ trốn nhưng bất thành, chính quyền đã ra tay hạ độc một trong số họ ngay tại xưởng thổi thủy tinh ở Pháp.

Dù vậy, năm 1665, xưởng làm gương kính đầu tiên được mở ở Paris, tại phố Faubourg Saint-Antoine. Năm 1672, những tấm gương cỡ nhỏ được xuất hiện trên thị trường Pháp, Colbert cho cấm nhập khẩu các mặt hàng thủy tinh từ Ý. Hàng chục xưởng dệt cũng được lập ra trên toàn quốc. Vào thời điểm đó, cả nước như cùng « khởi nghiệp », theo như cách đặt tiểu tựa ví von của nhà báo Laurence Picot trong tập sách.

Để bảo đảm chất lượng sản phẩm, ông cho lập một Hội đồng Thương Mại và ban hành một loạt quy định về chuẩn mực, như trong ngành dệt : thống nhất đơn vị đo lường, quy định số sợi dệt cho mỗi loại vải, chất lượng sợi dệt và độ dày vải sợi… nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thế cạnh tranh sau này. Những mặt hàng đáp ứng các tiêu chí đề ra còn được đóng dấu chì ở mép sản phẩm, gọi là dấu thương hiệu, xác nhận chất lượng và nguồn gốc xuất xứ.

Dù có những thành công đầu tiên đó, Colbert vẫn cảm thấy lo lắng. Hàng hóa do Hà Lan nhập về vẫn tràn ngập thị trường Pháp, nhất là hàng gốm sứ Trung Quốc – dòng sản phẩm rất được ưa chuộng, không chỉ tại Pháp mà cả toàn vùng châu Âu. Đối với Colbert, một đồng vàng đi ra đồng nghĩa với việc tài sản của vương quốc bị thiệt mất một đồng. Thế nên, việc chiếm được bí quyết sản xuất mang tính chiến lược, khẳng định thế mạnh của một vương triều.

Và sứ mệnh dọ thám này đã được Colbert trông cậy vào các thầy tu dòng Tên hoạt động tại Trung Quốc, trong khi cuộc đua chiếm lĩnh thị trường gốm sứ tại châu Âu bắt đầu trở nên gay gắt khi nước Đức nhập cuộc và đã tìm ra các bí quyết cho mình.

« Chương trình này nhằm mục đích bù đắp khoảng thâm thủng mậu dịch. Điều này sẽ được thực hiện bằng các biện pháp thuế quan : Giảm thuế xuất khẩu và tăng thuế nhập khẩu. Chính sách này được tiến hành dựa trên ý tưởng là cần phải thúc đẩy ngành công nghiệp Pháp và do vậy chế độ quân chủ chuyên chế có những chương trình tài trợ khi nghĩ rằng sau này các chủ doanh nghiệp có thể tự thân hoạt động. Để làm được điều này, người ta chỉ áp dụng đối với một bộ phận sản xuất, đặc biệt đó là hàng xa xỉ, cao cấp. Chính vì điều này mà tất cả các ngành công nghiệp hàng cao cấp chiếm một vị quan trọng đối với Colbert, bởi vì ông ấy hiểu được rằng chính ở lĩnh vực này, nước Pháp mới có thể ghi điểm cho ngành xuất khẩu như ngày nay người ta nói đến. »

Bước hai : Hoàn thiện kỹ thuật

Năm 1683, Jean-Baptiste Colbert qua đời, nhưng những gì ông thực hiện là nền tảng cho những bước đi kế tiếp, giúp Pháp hưng thịnh trở lại vào thế kỷ XVII. Năm 1690, Bernard Perrot cho ra đời kỹ thuật đổ khuôn kính, cho phép tạo ra những tấm gương cỡ lớn từ 1-2, thậm chí là 3 mét. Nước Pháp xem như thống lĩnh thị trường gương kính thế giới. Giai thoại kể lại rằng đại sứ vương quốc Xiêm ở Versailles đã đặt mua 3.300 tấm gương cỡ lớn trị giá 65 triệu đồng bảng. Nếu quy ra euro ngày nay, số tiền này tương đương với 1,4 triệu euro !

Nhưng thành công này không thể giúp Pháp lấp đầy két sắt. Louis XIV mất năm 1715, nhưng các cuộc chinh chiến của ông đã để lại cho vương quốc một khối nợ to lớn, tương đương với 10 năm thu thuế. Trong khi đó, các nỗ lực của Colbert nhằm phát triển ngành công nghiệp hàng cao cấp chỉ vừa mới chinh phục được giới quý tộc, tư sản mới trong nước, nhưng vẫn còn khó khăn chen chân trên thị trường thế giới.

Chính trong bối cảnh này, Louis XV lên cầm quyền. Đam mê khoa học, vị tân vương hiểu rằng muốn thúc đẩy xuất khẩu, hàng hóa Pháp không chỉ trông cậy vào chất lượng sản phẩm mà còn phải được cách tân. Do đó, vai trò của các thành viên Viện Hàn lâm Khoa học là không thể thiếu. Với giới sử gia, đây là một bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển ngành công nghiệp hàng cao cấp.

Theo lời thuật của sử gia Philippe Minard, để tiến hành cách tân công nghiệp, nhiệm vụ của các thanh tra nhà xưởng, trước đây vốn chỉ làm công tác kiểm tra chất lượng hàng hóa, đã được thay đổi triệt để.

« Cùng với thời gian, một nhiệm vụ trước đây thuộc hàng thứ yếu giờ càng trở nên quan trọng trong hành động của các thanh tra nhà xưởng. Nhiệm vụ mới của họ giờ là thúc đẩy đổi mới và truyền bá các phát minh. Không những các thanh tra sẽ tiếp tục đưa ra các thống kê về tình hình hoạt động mỗi 6 tháng và bộ sưu tập các mẫu hàng, họ còn phải cung cấp một hình thức tài liệu thứ hai, đó là những sách hướng dẫn kỹ thuật. Một số tài liệu đã thật sự làm người ta kinh ngạc bởi những bức hình vẽ với một mức độ chính xác cực kỳ cao. Thanh tra nhà xưởng giờ là người phổ biến, tuyên truyền. Điều này thật sự là những biểu hiện của hệ tư tưởng thời kỳ Ánh sáng : Đó là sự cải thiện, một sự cải thiện thông qua kỹ thuật và chia sẻ hiểu biết. »

Nhờ vào những nỗ lực này, hàng hóa của Pháp bắt đầu khẳng định vị thế trên thế giới. Sự phối hợp chặt chẽ giữa giới khoa học, nghệ thuật và thương mại đã mang lại cho Pháp những dòng sản phẩm cao cấp đa dạng, gam mầu sang trọng, bắt mắt.

Nhưng cuộc cạnh tranh giữa các nước cũng mỗi lúc một gay gắt. Nước Anh với sự phát triển mạnh mẽ về khoa học kỹ thuật đe dọa thế mạnh của Pháp. Hoạt động gián điệp công nghiệp một lần nữa lại được tăng cường. Việc chiêu dụ được hai bậc thầy ngành dệt sợi của Anh đã giúp cho kỹ nghệ dệt vải hoa ở Pháp thêm tinh xảo. Cùng lúc này, Paris cũng tìm ra được cao lanh tại một vùng Limoges, cho phép sản xuất ra những món đồ sứ có độ trong sáng và độ cứng như của Trung Quốc.

Hàng cao cấp và Nghệ thuật sống : Lỗi tại Colbert !

Hào quang của hàng cao cấp Pháp thật sự đạt đỉnh dưới thời Louis XVI. Những bữa dạ tiệc cung đình là cơ hội để phô trương nghệ thuật sống từ ẩm thực cho đến thời trang, mà Pháp là quốc gia đi tiên phong. Những gì giới thượng tầng xã hội đánh giá là tốt và dễ chịu đều được các tầng lớp cấp thấp dần dà bắt chước. Ngành thông tin ra đời còn giúp lan tỏa nhanh hơn nữa lối sống mới kiểu Pháp ra toàn thế giới. Sở thích của người tiêu thụ cũng vì thế mà thay đổi liên tục « như một dòng thác » cuồn cuộn chảy, cần phải đi theo và phải biết thích ứng, như câu nói của một vị thanh tra Pháp năm 1771.

Cũng chính trong bối cảnh này, một cuộc tranh luận mới diễn ra : Chủ nghĩa tự do thương mại ra đời đối đầu với chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch. Tự do lưu thông hàng hóa giữa các nước hay là áp thuế nhập khẩu để bảo hộ hàng trong nước ? Hàng hóa bán ra không chỉ có cho tầng lớp thượng lưu, trung bình mà còn có những dòng sản phẩm cho cả giai cấp bình dân.

« Kể từ giờ, vấn đề không còn nằm ở chỗ nói tốt về chất lượng mà đơn giản là nói đúng về các loại nhãn. Tất cả những gì mà người ta muốn chính là có thể phân biệt được các món đồ. Giải pháp được bộ trưởng Necker sau này tìm ra chính là cách thức duy trì một số quy định về chất lượng và niềm tin cho một số dòng hàng, và đối với số khác, là sự phù phiếm, sở thích thay đổi và sự đa dạng. »

Cho dù, « sự xa hoa đó có làm hủ hóa cả người giàu lẫn kẻ nghèo » (Rousseau) hay có là « một bước đi tiếp theo tự nhiên của tiến bộ con người » (Voltaire), như cuộc tranh luận giữa các triết gia thời kỳ đó, thì một điều chắc chắn là sản phẩm xa hoa, nước Pháp không tạo ra. Những sản phẩm đó, mỗi nước, mỗi một nền văn hóa, tự phát triển.

Nhưng chính nước Pháp đã tạo ra cả một nền công nghiệp sản phẩm xa hoa. Kể từ đó, xuất khẩu hàng cao cấp Pháp tăng vọt 400%. Và lỗi này là ở tại Jean-Baptiste Colbert, vị bộ trưởng Tài chính của vua Louis XIV, thế kỷ XVII, như kết luận trong phần dẫn nhập của tập sách « Những bí mật của sự xa hoa. Câu chuyện về một ngành công nghiệp Pháp » của nữ nhà báo, nghệ sĩ tạo hình Laurence Picot !

Nguồn: rfi.fr

 


© 2024 | Thời báo PHÁP



 

Related Articles

Liên hệ

logo thoibaophap trans white 160x65

Thời báo PHÁP

22-34 rue Jules Verne, Levallois-Perret

Paris 92300

Tìm bài