Nhạc viện Paris nằm vinh dự lọt Top các trường nghệ thuật hàng đầu thế giới

Theo bản xếp hạng thường niên Quacquarelli Symonds về các trường đại học danh tiếng (gọi tắt là QS University Rankings), Nhạc viện Paris năm nay lọt vào danh sách 10 trường nghệ thuật biểu diễn hàng đầu thế giới.

1 Nhac Vien Paris Nam Vinh Du Lot Top Cac Truong Nghe Thuat Hang Dau The Gioi

 Thật vậy, theo danh sách vừa được công bố hôm 06/04/2022, Nhạc viện cao đẳng tại thủ đô Pháp đứng hạng tư, sau các trường đào tạo âm nhạc tại các nước Anh, Áo và Mỹ.

Trên bảng xếp hạng 100 trường đào tạo chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn ”QS Performing Arts 2022”, Trường cao đẳng âm nhạc Hoàng gia tại Luân Đôn (Royal College Music of London ra đời vào năm 1882) giành ngôi vị quán quân. Đứng hạng nhì là Đại học Âm nhạc và Nghệ thuật biểu diễn tại Vienna được thành lập vào năm 1817 (Universität Für Musik und Darstellende Kunst), còn ở hạng ba là Juilliard Scool rất nổi tiếng ở New York. Trường này đã bị xuống hai hạng, sau khi đứng đầu danh sách trong năm 2021. Trong số các trường đào tạo quan trọng khác có Nhạc viện hoàng gia Scotland ở hạng 5, Nhạc viện Hàn lâm Na Uy ở hạng 8, Trường đào tạo nghệ thuật biểu diễn ở Hồng Kông, hạng 10.

Từ hạng 17 nhảy lên hạng 4 trong vòng hai năm

Về phía Nhạc viện Paris, trường đào tạo này có tên gọi chính thức là ”Conservatoire National Supérieur de Musique et de Danse” (Trường cao đẳng Quốc gia Âm nhạc và Nghệ thuật Múa) đã nhanh chóng tiến bộ trong những năm gần đây. Trên bảng xếp hạng quốc tế các cơ sở giảng dạy nghệ thuật có uy tín trên thế giới, Nhạc viện Paris, gọi tắt trong tiếng Pháp là Conservatoire de Paris thay vì dùng nguyên ký hiệu dài dòng là CNSMDP, đã nhảy từ vị trí thứ 17 lên hạng 5 trong năm 2021, để rồi lên thêm một bậc nữa khi được xếp hạng 4 vào đầu năm 2022.

Đối với ban giám đốc Nhạc viện Paris, quả thật đây là một tin đáng phấn khởi, khen ngợi những kế hoạch mà cơ sở này đã nỗ lực thực hiện trong thời gian qua. Để thực hiện bảng xếp hạng thường niên, QS University Rankings dựa trên ba tiêu chí quan trọng : chất lượng của chương trình đào tạo, uy tín quốc tế về chuyên môn và cuối cùng là các dự án học tập, nghiên cứu.

Để củng cố đà phát triển này và tăng thêm sức hấp dẫn đối với giới sinh viên cũng như thực tập sinh đến từ nước ngoài, ban giám đốc Nhạc viện Paris đã phát động một kế hoạch đầy tham vọng. Theo đó, ngoài các chương trình giảng dạy về các bộ môn chính là Âm nhạc và Nghệ thuật Múa, Nhạc viện Paris giờ đây còn muốn mở rộng sang các ngành chuyên môn về âm thanh và xa hơn nữa là âm nhạc kết hợp với hình ảnh (nhạc phim hay nhạc dùng để minh họa video hay tài liệu). Nói cách khác, nghệ thuật biểu diễn không chỉ đơn thuần tập trung vào những gì diễn ra trên sân khấu, mà còn có những vế quan trọng khác trong phần tiền kỳ hoặc hậu kỳ. Điều đó dễ mở ra nhiều hợp tác với các trường đào tạo khác. Nhiều hình thức biểu diễn thời nay (ngay cả triển lãm điêu khắc hay hội họa) thường được ”nâng cấp” với nhiều công nghệ mới về mặt âm thanh hay ánh sáng.

2 Nhac Vien Paris Nam Vinh Du Lot Top Cac Truong Nghe Thuat Hang Dau The Gioi

Nguồn gốc lâu đời của ”trường quốc gia âm nhạc”

Được khai sinh chính thức vào năm 1795, mô hình của Nhạc viện Paris đã không ngừng biến chuyển và đổi tên liên tục theo những bước thăng trầm trong lịch sử. Tiền thân của Nhạc viện Paris chính là ”Học viện Âm nhạc Hoàng gia” vào năm 1669, do đích thân Louis XIV sáng lập, sau khi nhà Vua quyết định nâng âm nhạc và múa ballet lên hàng bộ môn nghệ thuật của triều đình. Mãi đến năm 1795 (sau thời Cách mạng Pháp 1789), Học viện Âm nhạc Hoàng gia trở thành Nhạc viện Quốc gia khi nước Pháp đã bãi bỏ chế độ quân chủ. Đến năm 1957, từ “cao đẳng” (supérieur) được bổ sung vào tên gọi, chủ yếu là để phân biệt một ”trường âm nhạc cấp quốc gia” với các nhạc viện thành phố. Thật vậy, tuy được gọi nôm na là Nhạc viện Paris, nhưng Conservatoire de Paris lại là một trường công lập, ngoài việc giảng dạy các bộ môn nghệ thuật, còn đào tạo thêm đội ngũ chuyên viên, cán bộ hành chính để điều hành các cơ sở giáo dục của nhà nước.

Đó chính là khía cạnh mà ít ai quan tâm. Khi nghe nhắc đến Nhạc viện Paris hay Trường cao đẳng âm nhạc, công chúng chủ yếu nghĩ tới biệt thự cổ kính nằm ở Paris quận 9, cũng như các tên tuổi lẫy lừng từng được đào tạo tại nơi đây. Một khi tốt nghiệp ra trường, nhiều thế hệ nghệ sĩ sau đó đã nâng uy tín của trường này lên hàng quốc tế. Có thể nói là trong số các nghệ sĩ nổi tiếng nhất, Nhạc viện Paris là nơi xuất thân của ba nhân tài có tên họ bắt đầu bằng chữ B : Berlioz, Boulanger và Boulez. Nhà soạn nhạc cổ điển Hector Berlioz (1803-1869) đã từng chứng kiến sự phát triển ban đầu của Nhạc viện Paris. Nhạc sĩ Pierre Boulez (1925-2016) nổi tiếng nhờ phong cách sáng tác và thử nghiệm âm thanh mới. Lịch sử của Nhạc viện Paris phát triển từ phong trào lãng mạn của Berlioz cho tới thời kỳ hiện đại của Boulez.

Đề cao tinh thần giảng dạy, vinh danh các nữ nhân tài

Thế nhưng, nhân vật tiêu biểu nhất cho tinh thần giảng dạy của Nhạc viện Paris lại là nhạc sĩ Nadia Boulanger (1887-1979). Nổi tiếng là một thiên tài, bà đã từng truyền lửa cho bao thế hệ nghệ sĩ trong cả hai lãnh vực soạn nhạc và điều khiển dàn nhạc giao hưởng. Trong số 1.200 môn sinh từng học với bà, có rất nhiều nghệ sĩ cực kỳ nổi tiếng như các nhạc sĩ Copland, Gershwin hay Bernstein, thế hệ sau nữa có Lalo Schifrin, Quincy Jones, Philip Glass hay Michel Legrand. Sinh thời, sau khi ông đến Paris để tầm sư học đạo vào năm 1954, nghệ sĩ phong cầm Astor Piazzola cho biết là bà Nadia Boulanger đã thay đổi lối tiếp cận âm nhạc của ông. Đúng hai thập niên sau, Piazzola nổi tiếng trên thế giới nhờ sáng tác giai điệu ”Libertango” (1974), từ đó khai sinh phong trào tango mới.

Được nhà nước Pháp tài trợ ở mức 90%, Nhạc viện Paris hiện có hơn 1.300 sinh viên, phần lớn mang quốc tịch Pháp, 7% sinh viên đến từ Liên hiệp châu Âu, 14% đến từ nhiều quốc gia khác trên thế giới. Số lượng nam sinh (59%) vẫn cao hơn nữ sinh (31%). Trường có nhiều bộ môn giảng dạy chia thành 9 phân khoa. Đại đa số các sinh viên tốt nghiệp bất kể nam hay nữ (92%) đều tìm được việc làm một khi tốt nghiệp ra trưòng. Tuy nhiên, một số ngành giảng dạy cho tới giờ này lại hay thiếu vắng nữ sinh, nhất là các bộ môn thường được cho là ”hợp hơn” với phái nam.

Vào năm 2019, bà Émilie Delorme (năm nay 46 tuổi) trở thành phụ nữ đầu tiên lên làm giám đốc Nhạc viện Paris. Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, bà đã cố gắng tạo ra một môi trường làm việc ”bình đẳng” hơn cho phái nữ, kể cả việc mở rộng thời hạn và các tiêu chuẩn đăng ký dành cho các nữ sinh trong hai khoa sáng tác và điều khiển dàn nhạc. Gợi hứng từ trường hợp của bậc tiền bối Nadia Boulanger, ngoài là một giáo sư tinh thông nhạc lý với kiến thức uyên thâm, bà còn là một trong những phụ nữ đầu tiên điều khiển vào năm 1912 một dàn nhạc giao hưởng, cũng như nhạc trưởng người Mỹ gốc Hà Lan Antonia Brico (1902-1989). Sau bảng xếp hạng QS Performing Ats 2022, Nhạc viện Paris muốn duy trì uy tín hàng đầu của mình, đồng thời tạo ra những vị trí xứng đáng hơn nữa cho các nhân tài phái nữ.

 


© 2024 | Thời báo PHÁP



 

Related Articles

Liên hệ

logo thoibaophap trans white 160x65

Thời báo PHÁP

22-34 rue Jules Verne, Levallois-Perret

Paris 92300

Tìm bài