Du lịch Pháp: Vùng duyên hải đông người, thành phố lại vắng khách

Chỉ vài hôm sau ngày tựu trường tại Pháp, ngành du lịch đã đưa ra bản tổng kết về hai tháng hè vừa qua. Nhìn chung, bức tranh năm nay khá là tương phản : Tuy chưa tìm lại được mức bình thường, nhưng doanh thu năm 2021 có phần khá hơn so với năm trước.

Các trạm nghỉ mát ven biển thu hút đông đảo du khách, trong khi khách sạn các vùng đô thị lớn thì lại vắng người.

Cho dù các hộ gia đình ở Pháp năm nay có đi chơi gần hay xa, xuống miền Nam đi tắm biển, hay đến các trạm nghỉ mát ở miền núi, hầu hết du khách Pháp đều đồng ý rằng thời tiết mùa hè năm nay không mấy thuận lợi, đặc biệt các tuần lễ cuối tháng 7, đầu tháng 8, trời đổ mưa và trở lạnh vào ban đêm một cách thất thường. Dù vậy, ở các miền duyên hải, đa số các ngành phục vụ du khách như ăn uống, lưu trú đều đã ‘‘bội thu’’ trong hai tháng hè.

Theo cơ quan Atout France, chuyên quảng bá các điểm đến du lịch tại Pháp, doanh thu của ngành ‘‘khách sạn’’ nói chung đã tăng 47 % so với mùa hè năm 2020. Tại các miền ven biển, cắm trại vẫn là hình thức phổ biến nhất, du khách Pháp thích dừng chân tại những khu trại lớn, nơi mà hàng loạt những căn nhà nhỏ đầy đủ tiện nghi đã được cất sẵn, lối đi ra bãi biển không quá xa, để cho khách khỏi phải dùng xe.

1 Du Lich Phap Vung Duyen Hai Dong Nguoi Thanh Pho Lai Vang Khach

80% du khách Pháp chọn đi nghỉ mát ở gần nhà

Theo thăm dò của cơ quan Tourisme & Territoires, tập hợp các đại diện ngành du lịch của các vùng miền, cũng như năm trước, các hộ gia đình Pháp năm nay đi du lịch ở những nơi không quá xa nhà, cứ trên 10 người Pháp là có đến 8 chọn các trạm nghỉ mát ở Pháp. Mùa hè năm nay, các miền duyên hải phía nam như Côte d’Azur hay Pyrénées-Atlantique, các vùng biển phía tây bắc như Bretagne, Normandie đều rất đông khách.

Nhờ có chứng nhận y tế, đảo Corse năm nay cũng đông khách hơn gấp bội, với chiến dịch chích ngừa rộng rãi, khách Pháp khỏi cần phải có xét nghiệm PCR, khi muốn ghé thăm các hải đảo ở miền Nam, trong đó có đảo Corse và quần đảo Îles d’Or, từ đó khách có thể dùng thuyền đến thăm Sardaigne thuộc Ý.

Theo cơ quan Tourisme & Territoires, việc kiểm soát chứng nhận y tế nhìn chung đã không làm giảm lượng khách tại các nhà hàng hay khách sạn, như thể dân Pháp đã chuẩn bị tinh thần, họ đi chích ngừa xong rồi mới đi chơi với gia đình hai tuần lễ sau. Tại tỉnh Seine-Maritime, thuộc vùng Normandie, tuy mùa hè năm nay không được nhiều nắng, số người tham quan các thị trấn và ngôi làng trong vùng số đều đã tăng gấp đôi. Tỷ lệ đặt phòng đạt tới mức 85% so với 65% năm ngoái.

Mùa hè năm nay, khách du lịch ngoại quốc đã nhường chỗ lại cho khách nội địa, dân Pháp đặc biệt chiếu cố vùng Normandie, phần lớn cũng vì năm nay là năm kỷ niệm 200 năm ngày sinh của văn hào Flaubert (1821-2021). Còn Rouen và Étretat cũng thu hút đông du khách vì ngoài các di tích thắng cảnh còn là các địa danh gắn liền với nhà văn Maurice Leblanc, tác giả đã khai sinh nhân vật ”tay trộm hào hoa” Arsène Lupin. Bộ truyện của ông ăn khách trở lại nhờ vào sự thành công gần đây của loạt phim truyền hình cùng tên với Omar Sy trong vai chính.

Ngành du lịch các vùng đô thị lớn mất 60% doanh thu

Nếu như các tỉnh thành ở Pháp đều ở trên đà bội thu nhờ biết thích nghi các mảng dịch vụ nhắm vào du khách, vùng thung lũng sông Loire đã thành công với chương trình kết hợp khám phá các lâu đài với các tour bằng xe đạp, thì các vùng đô thị lớn đều bị mất 60% khách du lịch. Thủ đô Paris là trường hợp tiêu biểu của các thành phố lớn châu Âu, do các đô thị lớn trước khi có mùa dịch Covid-19 đều lệ thuộc khá nhiều vào lượng du khách nước ngoài.

Ngay cả Barcelona, thành phố ven biển của Tây Ban Nha, cũng bị ảnh hưởng mạnh do lượng khách nội địa vẫn chưa đủ để bù đắp cho hiện tượng ”cạn nguồn” khách ngoại quốc. Các thành phố lớn nào còn sống nhờ vào thành phần khách ”thương gia” chuyên đi dự các hội nghị hay triển lãm quốc tế, lại càng bị nhiều thiệt thòi, do đối tượng này vẫn chưa trở lại. Về điểm này, giới chuyên ngành hy vọng thu hút thêm khách đến Paris với các kỳ hội chợ lớn vào mùa thu, điển hình là hội chợ triển lãm áo cưới vào cuối tuần này và sắp tới nữa là hội chợ chocolat.

Theo Sở du lịch Paris, đã có khoảng 4,2 triệu khách đến thủ đô Pháp trong hai tháng 7 và 8/2021. Con số này dĩ nhiên tốt hơn so với năm 2020 (2,6 triệu), thế nhưng vẫn còn quá thấp so với kỷ lục 10 triệu rưỡi du khách vào năm 2019 (trong đó có 65% đến từ nước ngoài), trước khi có đại dịch Covid-19. Theo đánh giá của cơ quan Pháp Protourisme, Paris đã mất hơn 60% khách chủ yếu đến từ châu Á, Nam Mỹ và Bắc Mỹ. So với các thành phố lớn khác của Pháp, doanh thu ngành khách sạn ở Paris đã giảm gần hai phần ba.

Các dịch vụ khác cũng bị tác động lây, các dịch vụ như chuyên chở hay đưa đón khách đi tham quan đã giảm đi gần 65%. Số du khách nội địa tuy có phần gia tăng so với năm trước, nhưng họ chi tiêu dè sẻn hơn. Các dịch vụ nhắm vào khách nước ngoài không còn thích hợp với đối tượng này : một hộ gia đình Pháp không thể nào chi 150 euros cho việc tham quan (cộng luôn phí di chuyển) trong một ngày, trong khi du khách Mỹ, Nhật hay Úc thì hào phóng hơn nhiều.

Thích nghi các dịch vụ hầu thu hút thêm khách nội địa

Mảng dịch vụ đi du thuyền thưởng ngoạn sông Seine cũng vậy, các công ty như Bateaux-Mouches hay là Vedettes de Paris đều đã mất hơn một nửa doanh thu so với năm 2019, cho dù số khách Pháp đã tăng được một chút từ 50% lên thành 65% trong mùa hè năm nay, nhờ các chiến dịch khuyến mại. Cũng như các công ty khai thác, ban quản lý Tháp Eiffel cũng đã thích nghi cách phục vụ hầu thu hút thêm đối tượng khách đến từ Paris và các vùng phụ cận.

Các tour tham quan không còn cần có hướng dẫn viên nói thông thạo nhiều ngoại ngữ, thay thế vào đó, ban quản lý tổ chức các sân cát để ném quả cầu sắt, các buổi tham quan đi kèm với dịch vụ ăn uống nhẹ vào buổi trưa, hay có dùng rượu khai vị vào buổi chiều tối ở ngay dưới chân tháp, hay là ngay trên các du thuyền. Những tour tham quan này chủ yếu nhắm vào khách Pháp vốn có tâm lý yêu chuộng ẩm thực. Nhờ vào hình thức ấy, số khách Pháp đã tăng từ 20% lên tới 50%, nhưng vẫn chưa đem lại đủ doanh thu so với số khách ngoại quốc. Tháp Eiffel hiện giờ chỉ thu hút 13.000 khách mỗi ngày (năm 2021), tức chỉ bằng một nửa tức 25.000 khách (năm 2019).

Về phía các viện bảo tàng, các cơ sở lớn như Louvre hay Orsay vẫn hoạt động cầm chừng, ít còn tổ chức triển lãm đại quy mô có khả năng thu hút cả triệu lượt khách thăm viếng, mà lại gia tăng các sinh hoạt ngắn hạn, định kỳ nhắm vào khách nội địa. Một số bảo tàng khác bị thất thu nhiều hơn, như trường hợp của Viện bảo tàng Grévin hay Công viên Nước Pháp thu nhỏ France Miniature, từ 65% khách nước ngoài nay chỉ còn có 10% (chủ yếu là khách châu Âu).

Theo cơ quan Atout France, các điểm đến du lịch tại Pháp bị thiệt hại nặng nề nhất trong hai mùa hè liên tiếp vẫn là các vùng đô thị lớn, kể cả Paris, Lyon hay Bordeaux. Các lãnh thổ hải ngoại cũng là một trường hợp đặc biệt : biến thể Delta đã khiến cho nhiều điểm đến du lịch ở quần đảo Antilles (Guadeloupe và Martinique) hay Polynésie thuộc Pháp đều bị phong tỏa trở lại, tác động trực tiếp đến ngành du lịch tại chỗ. Nhìn chung, tình trạng vắng khách nước ngoài có sức mua sắm cao, chịu chi nhiều tiền hơn khi đi du lịch, có nguy cơ kéo dài đến năm 2023, chừng nào ngành hàng không dân dụng quốc tế vẫn chưa thật sự được phục hồi và các nước ngoài khối Liên hiệp châu Âu vẫn chưa hoàn tất các đợt tiêm chủng rộng rãi.

Nguồn: rfi.fr

 


© 2024 | Thời báo PHÁP



 

Related Articles

Liên hệ

logo thoibaophap trans white 160x65

Thời báo PHÁP

22-34 rue Jules Verne, Levallois-Perret

Paris 92300

Tìm bài