Đi chợ phiên xứ Pháp

Ở Việt Nam tôi hay la cà chợ lớn chợ nhỏ, riết rồi cũng ưa mùi chợ, màu chợ, bởi ở đó tôi thấy rất rõ nhịp sống thường ngày qua chuyện bán – mua. Qua tới Paris, nơi tôi ghé đầu tiên mua vài món cần thiết cho 45 ngày ở đây là Savigny Sur Orge khá rộng.

Không chủ đích mua cũng ráng la cà cả tiếng đồng hồ để coi có hàng Việt Nam hay không, và kết quả là chỉ thấy một ô có kệ trống để chữ Chôm Chôm – Việt Nam. Nhưng, như một người dân bản địa vùng Normandy, tôi thích đi “chợ trời”.

132 1 Di Cho Phien Xu Phap

Gian hàng L’Oliverie bán chừng vài chục loại ô liu ngâm trong thau của anh chàng người Ý vui tính vùng Sicilia.

Chợ trời xứ Tây

Mỗi vùng (ville) có một điểm họp chợ, tuần nhóm ba lần, người bán sẽ theo lịch mà chuyển vùng bán hàng. Họ là những người bán sản phẩm do mình làm ra. Sở dĩ có tên chợ trời, vì chợ thường nhóm ngoài trời.

Marché Davout là trường hợp đặc biệt khi nhóm trong một ngôi nhà rộng, có vẻ là một nhà kho cũ. Cái “thớt” thịt của người đàn ông trung niên vùng Limousin bày những khối thịt nạc bằm, thịt thăn trộn củ quả, ướp gia vị, phô mai, bao ngoài một lớp mỡ chài, cột chỉ và quấn vòng quanh bằng da heo rất đẹp mắt, đề giá 25,99 EUR, hơi mắc, nhưng đó là sản phẩm handmade. Ở chợ này món gì cũng cao giá hơn siêu thị, nhưng tươi ngon.

Gian hàng bán phô mai ấn tượng nhất với cảnh người mua xếp hàng rồng rắn. Tôi cũng xếp hàng và quan sát mới thấy sức hấp dẫn của chợ trời và hiểu vì sao ông Jean, 90 tuổi, chỉ thích chợ truyền thống. Chạnh nhớ tới bà cô vợ quá cố, bởi những năm cuối đời phiên nào bà cũng đi, không chỉ để mua, mà để gặp người quen chuyện trò.Trở lại gian hàng Fromagerie de Jadis “nhà làm” của bốn cô gái xinh đẹp. Họ hỏi han người mua thích phô mai nào, thích mùi gì, rồi giới thiệu loại phù hợp một cách duyên dáng, vui vẻ. Cô nào cũng miệng nói tay cắt liên tục, chuyện trò thân mật. Tôi xếp hàng đúng nửa tiếng mua năm loại khác nhau chừng một ký lô để ăn cho biết mùi thủm nặng, thủm nhẹ, với giá 23,77 EUR.

Gian hàng L’Oliverie bán chừng vài chục loại ô liu ngâm trong thau của anh chàng người Ý vui tính vùng Sicilia, làm tôi nhớ cà na xứ mình. Cũng có muối, có ớt, nêm nếm hơi khác chút, nhưng nhìn là nhớ cô gái bán cà na muối xổi dọc đường Tri Tôn năm nào. ô liu ở đây “dân dã” và gợi cảm hơn loại đựng trong hũ ở siêu thị. Tôi mua ba loại ô liu có tên gọi khác nhau, cân chừng một ký giá 5,74 EUR. Cũng đểăncho biết mùi ô liu “nhà làm”.

Chợ có đủ loại hàng hoá như bất kỳ chợ Việt nào, cũng lô cũng sạp, lại còn có cô ca sĩ (già và không được đẹp lắm) hát nhạc sống giúp vui, với những ca khúc quen thời Johnny Hallyday, Sylvie Vartan.

Phiên chợ cuối tuần

Trong chuyến đi từ Orléans dọc theo sông Loire về phía nam, với ý định thăm viếng vài lâu đài của vua chúa ngày xưa và các ngôi làng nhỏ bên đường, chúng tôi ghé Beaugency và dừng lại khá lâu ở phiên chợ cuối tuần. Ai là khách của chợ phiên khi nơi này không phải là địa danh nổi tiếng với du khách dập dìu?Hoá ra dân làng nhóm chợ để bán hàng cho nhau, để những người từ nơi khác đến bán những mặt hàng mà thường ngày không có, và có vẻ như là cái cớ để… gặp nhau.

Một xe bán phô mai khá lớn đang đông khách. Hai sạp bán hải sản. Một gian hàng bán hoa tươi cạnh một dãy bàn dài bán xúc xích và một gian bán món Paélla của Tây Ban Nha (cơm nhuộm vàng, trộn xúc xích, tôm, thịt…). Khách mua, nhìn ngắm, chuyện trò, qua lại… toàn là người trong làng.

Chợ phiên như một ngày hội nhỏ, là dịp già trẻ lớn bé gặp nhau tại một không gian quen thuộc của làng, là hình ảnh của không gian giao tiếp cũ xưa vẫn còn nguyên nét đẹp. Người dân ở ngôi làng này tỏ ra thân thiện với du khách, nên rất sẵn lòng khi chúng tôi xin chụp ảnh chung, điều này có thểbạn sẽ không gặp được ở Paris.

Chợ phiên ở Beaugency hay vài chợ trời ở Paris có dịp ghé qua dành cho mọi người, nhưng tôi thấy hầu hết đều da trắng và có tuổi. Người da đen và Trung Đông không xuất hiện nhiều ở đây, có lẽ vì hàng hoá không thích hợp, nhưng lại đóng vai người bán như anh chàng Syria bán đồng hồ “Made in China” ngoài cổng chợ, bày hàng của mình lên một cái bàn xếp cơ động.

Vốn mê chợ, thành thử nếu chia phe, tôi sẽ chọn phe “bảo thủ”.Tôi thích “chợ trời” hơn, vì có những nét tương đồng Á – Âu. Tuy không ì xèo, nhưng sạch sẽ hơn các ngôi chợ Việt, hàng hoá và cách giao tiếp giữa người bán với người mua, giữa người mua với nhau trong lúc xếp hàng, lựa hàng na ná nhau rất lịch sự.

Ông Jean, 90 tuổi, người vùng Normandy, vốn bướng bỉnh và thẳng ruột ngựa, ghét Carrefour; vì cho rằng tầng lớp trung gian giàu có này đang bắt chẹt nông dân và người sản xuất nhỏ, khi mua thật rẻ một khối lượng hàng hoá lớn để thao túng thị trường. Jean chỉ đi chợ trời, tiệm tạp hoá cho dù giá có mắc hơn.

Nguồn: thegioihoinhap

 

 


© 2024 | Thời báo PHÁP



 

Related Articles

Liên hệ

logo thoibaophap trans white 160x65

Thời báo PHÁP

22-34 rue Jules Verne, Levallois-Perret

Paris 92300

Tìm bài