Dịch Covid tác động thế nào đến sinh viên nước ngoài du học tại Pháp?

Đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 khiến nhiều quốc gia phải tự phong tỏa, hàng loạt lĩnh vực bị tê liệt, trong đó có giáo dục đại học. Đối với nhiều sinh viên, du học nước ngoài trở thành một giấc mơ dang dở.

Covid-19 tác động ra sao đến sinh viên nước ngoài du học tại Pháp ? Đại học Pháp, chính quyền Pháp làm gì để hóa giải các khó khăn với sinh viên quốc tế ?

132 1 Dich Covid Tac Dong The Nao Den Sinh Vien Nuoc Ngoai Du Hoc Tai Phap

Sinh viên nước ngoài có thể giảm đến 30%

Năm học 2020 khởi đầu có vẻ rất thuận lợi. Trước đại dịch, số lượng sinh viên nước ngoài đăng ký học tại Pháp tăng vọt (hơn 20%). Với 358.000 sinh viên nước ngoài, Pháp nằm trong số 5 quốc gia đứng đầu thế giới về du học sinh năm 2019 (sau Mỹ, Anh, Úc và Đức). Ước tính khoảng 5% du học sinh đại học trên thế giới học tập tại Pháp. Đại học Pháp đặc biệt thu hút học sinh từ các nước châu Phi, cũng như nhiều nước láng giềng châu Âu. Về châu Á, sinh viên đến từ Trung Quốc là đông nhất, tiếp theo là Việt Nam, Ấn Độ…

Truyền thông Pháp dẫn thông tin từ Campus France, định chế công lập có sứ mạng cổ vũ cho giáo dục đại học Pháp ở nước ngoài, từ cuối tháng 7/2020 một số chuyên gia dự đoán, vào kỳ khai trường, số lượng du học sinh có thể giảm 20% so với dự kiến (Journal du Dimanche, 25/08/2020). Trong bối cảnh dịch Covid-19 tái bùng phát, tình hình có thể sẽ còn tệ hơn nhiều.

Trả lời đài France Info, bà Christine Fernandez, hiệu phó phụ trách quốc tế của Đại học Poitiers, giải thích : « Cho dù tất cả các sứ quán của chúng ta đều nỗ lực, tuy nhiên, đã có nhiều khó khăn trong việc cấp visa. Giao thông hàng không cũng bị giảm đi nhiều. Cũng có nhiều trường hợp sinh viên quyết định hủy kế hoạch dự tính, do sợ đến Pháp vào lúc xảy ra một đợt dịch thứ hai, với hậu quả là sẽ bị kẹt. Cũng có trường hợp chính một số đại học không cho phép họ đến đây ».

« Những người thiệt thòi nhất »

Theo một thăm dò của Đài quan sát Quốc gia về Đời sống Sinh viên (Observatoire national de la vie étudiante) hồi tháng 6 – tháng 7, trong bối cảnh sinh viên khó khăn chung, thì « sinh viên nước ngoài, do việc phải xa cách gia đình, điều kiện sống, điều kiện làm việc bấp bênh là bên thiệt thòi nhất trong cuộc khủng hoảng y tế này ». Có đến 70% sinh viên nước ngoài cho biết gặp khó khăn về tài chính trong thời gian phong tỏa, so với 27% đối với sinh viên người Pháp (Le Figaro, 22/07/2020).

Theo ông Michaël Hauchecorne, thuộc mạng lưới các hiệu phó phụ trách quan hệ quốc tế của các đại học Pháp, thì số sinh viên nước ngoài đến Pháp năm nay có thể giảm từ 25% đến 30%. Nhưng « giảm đến đâu còn phụ thuộc chủ yếu vào tình hình dịch bệnh tại các nước xuất xứ của sinh viên du học, đặc biệt là tình hình dịch bệnh tại châu Phi ». Hệ thống các trường đại học (Universités) là nơi thu hút số lượng chủ yếu sinh viên nước ngoài, ước tính chiếm hai phần ba tổng số sinh viên nước ngoài trên toàn quốc (số các sinh viên nước ngoài còn lại theo học ở các « Grandes Ecoles » hay các trường đào tạo chuyên nghiệp).

Kết hợp học tại chỗ – học từ xa: Cách giữ chân sinh viên nước ngoài

Để hóa giải tình hình này, từ tháng 8, bộ Đại Học Pháp đã xác định một chiến lược rõ ràng. Cuối tháng 8, chiến lược giảng dạy đại học thời Covid, cho sinh viên nói chung, và sinh viên nước ngoài nói riêng, được công bố. Nét chủ đạo trong phương án giảng dậy đại học thời Covid là kết hợp hai phương thức học – học tại chỗ với học từ xa, lấy giảng dậy tại chỗ làm cơ bản, nhưng áp dụng mềm dẻo tùy theo tình hình dịch bệnh cụ thể, tùy theo khả năng lựa chọn của mỗi cơ sở đào tạo. Chiến lược giảng dậy đại học thời Covid dự kiến « bốn kịch bản » tổ chức học tập, từ học tập tại chỗ với các biện pháp cảnh giác phòng dịch tăng cường đến học tập từ xa, tùy theo diễn biến của dịch.

Trả lời phỏng vấn báo Le Figaro đầu tháng 9, bộ trưởng Đại Học, bà Frédérique Vidal, nhấn mạnh đến giá trị của việc kết hợp hai phương thức học tập, tại chỗ và từ xa : « Trước đó, chúng tôi bắt đầu quá trình chuyển đổi trên phương diện giảng dạy, với nhiều dự án giảng dạy qua mạng, do các cơ sở đào tạo thiết kế, đặc biệt liên quan đến năm học thứ ba của Đại học. Với quyết định phong tỏa, tất cả mọi người đã bắt tay vào cuộc. Nhiều giảng viên thoạt tiên lưỡng lự, đã phát hiện ra những lợi thế của việc giảng bài qua mạng, cũng như việc thảo luận với sinh viên sau đó. Đấy cũng là một phương thức truyền thụ kiến thức. Toàn bộ vấn đề này dĩ nhiên cũng phụ thuộc vào loại hình môn học, cũng như sĩ số học sinh. Nhìn chung mà nói, ý nghĩa của các buổi học truyền thụ trên giảng đường như truyền thống, cũng được nhiều giáo viên – nhà nghiên cứu đánh giá lại, trong giai đoạn này. Tuy nhiên, các buổi giảng bài trên giảng đường vẫn có tầm quan trọng riêng của nó. Giờ đây, mọi tri thức thì đều đã được đưa vào sách, hay lên mạng. Song, cái cách thức mà các giảng viên đưa sinh viên đến với các tri thức đó vẫn là điều quan trọng. Và việc đến dự giờ trên giảng đường có mục tiêu như vậy ».

Bộ trưởng Đại Học Frédérique Vidal tỏ ra tin tưởng ở chiến lược này. Bà cho biết thêm : « Tình hình hiện nay không ảnh hưởng đến ham muốn học tập ở nước ngoài. Chúng tôi không ghi nhận thấy việc có ít hồ sơ đăng ký hơn so với các năm trước. Chúng tôi cố gắng làm sao, để cho một sinh viên nước ngoài, một khi đã được chấp nhận vào một cơ sở đào tạo, thì việc cấp thị thực nhập cảnh sẽ diễn ra gần như là tự động. Trên thực tế, việc đi lại bằng đường hàng không khó khăn hơn nhiều. Như vậy, chúng tôi đã tạo điều kiện cho việc đào tạo từ xa. Có tổng cộng 7 khu đào tạo đại học nối mạng được mở ra tại các nước đối tác. Các sinh viên nước ngoài được bảo đảm là, cho dù họ có thể không có mặt ngay vào thời điểm khai giảng, họ cũng sẽ có điều kiện đến Pháp sau đó ».

Tổ chức khai giảng thành nhiều lần

Được giao quyền tự quyết định, mỗi đại học lựa chọn phương thức tiếp nhận sinh viên theo nhịp độ riêng. Nhật báo Ouest-France giới thiệu về một trường thương mại ở Rennes (Rennes school of business), nơi nhà trường tổ chức 10 đợt khai giảng, để bảo đảm việc tiếp đón sinh viên tuân thủ các quy định về phòng dịch. 55% trong số 4.500 học sinh của nhà trường là du học sinh nước ngoài. Người phụ trách quốc tế của trường cho biết, đa số sinh viên nước ngoài đẩy lùi dịp khai giảng đến tận tháng Giêng năm sau.

Giám đốc nhà trường, ông Thomas Froehlicher, cho biết là các sinh viên có thể bắt đầu năm học bằng các buổi học từ xa, và họ sẽsang Pháp khi có đủ điều kiện. Trường Rennes school of business có 20 phòng học được trang bị camera và micro, với chương trình Elive, cho phép các sinh viên nước ngoài dự giờ từ xa gần như có mặt tại giảng đường. Trong năm học này, Rennes school of business có kế hoạch tiếp nhận số lượng sinh viên nước ngoài tương tự như năm ngoái. Chỉ có điểm khác biệt là số sinh viên Trung Quốc và Ấn Độ ít hơn, sinh viên từ Hoa Kỳ thì lại sang đông hơn.

Trả lời France Info, bà Vanessa Scherrer, giám đốc Quan hệ quốc tế của Học viện Khoa học Chính trị Paris (Sciences Po), cũng ghi nhận xu thế chung này : « Hiện nay, một sinh viên quốc tế trên thực tế có thể vào tuần tới, bắt đầu học từ xa. Năm học này, trường sẽ khai giảng, với cùng một lúc hai cơ sở, một có mặt tại chỗ và hai là qua mạng. Chúng tôi làm như vậy để duy trì sức thu hút của trường ».

Học viện Khoa học Chính trị Paris tỏ ra lạc quan về tình hình du học sinh nước ngoài năm nay. Khoảng 50% sinh viên của trường đến từ nước ngoài, từ khoảng 130 quốc gia. Theo số liệu chính thức, được Le Figaro đăng tải, số lượng sinh viên đăng ký học năm nay tăng 16%, bất chấp khủng hoảng y tế. Một thăm dò dư luận của nhà trường, hồi tháng 7, cho biết khoảng 78% sinh viên nước ngoài đăng ký học năm thứ ba sẵn sàng sang Pháp.

Chất lượng đào tạo qua mạng: Phải nằm ở tốp đầu

Trên thực tế, cũng có nhiều sinh viên thất vọng vì điều kiện học tập thay đổi, với việc học qua mạng là chủ yếu, cộng với khó khăn về tài chính, hay vấn đề visa… đã quyết định chấm dứt việc học. Cũng Le Figaro dẫn lời một sinh viên Brazil, cô Luisa, « với việc đồng real mất giá, học phí tăng cao đối với bậc học master, tôi thấy rằng trả một cái giá đắt đỏ cho cuộc sống tại Paris, chỉ để theo học trên mạng, thì thật không hợp lý chút nào ». Hiệu trưởng Đại học Reims, ông Guillaume Gellé, thừa nhận việc học từ xa ngay từ đầu đối với các bậc học, năm thứ ba hay Master là không đơn giản, trong lúc với các nghiên cứu sinh tiến sĩ thì hoàn toàn khả thi. Tình hình cũng đặc biệt khó khăn đối với những ngành đào tạo khoa học, đòi hỏi thực nghiệm.

Trường Bách Khoa (École polytechique) năm học này cho biết chiến lược của nhà trường là khuyến khích giảng dậy từ xa đối với các buổi học trên giảng đường lớn, trong lúc các lớp đào tạo với số lượng nhỏ và làm bài tập có hướng dẫn sẽ được tổ chức tại trường. Nâng cấp các đào tạo qua mạng (e-learning), với nhiều phương pháp sư phạm mới, là hướng ưu tiên phát triển của Trường Bách Khoa Pháp. Nhiều chuyên gia giáo dục, như ông Richard Perrin, phụ trách quan hệ quốc tế Trường cao học về thương mại phía bắc (EDHEC), khuyến cáo nước Pháp cần nỗ lực để nằm trong số các nước ở tốp đầu thế giới trong xu hướng chuyển mạnh sang giảng dậy qua mạng hiện nay.

Nguồn: rfi.fr

 


© 2024 | Thời báo PHÁP



 

Related Articles

Liên hệ

logo thoibaophap trans white 160x65

Thời báo PHÁP

22-34 rue Jules Verne, Levallois-Perret

Paris 92300

Tìm bài