Ngày đầu đi du học, con nai vàng ngơ ngác

Bước vào thư viện, cantine, hay dạo quanh khuôn viên trường, cái cảm giác đi dạo trong một bộ phim vẫn làm bạn choáng ngợp. Đơn giản vì trước đây bạn chỉ được thấy những điều này trên ti-vi, giờ thì lại được trải nghiệm thật.

Bài này mình viết từ hồi mới đi du học Pháp được 2 tháng, từ năm 2012, xin chia sẻ lại với các bạn một chút ít cảm nhận và kinh nghiệm cá nhân trong quá trình học tập tại Pháp:

 

– Như trong một bộ phim Teen Âu-Mỹ

Bạn lọt thỏm giữa hàng trăm sinh viên cao ngồng, nghe xì xầm một thứ ngôn ngữ nào đó không phải là tiếng Pháp, một vài cô gái ngồi thượt dưới đất, một vài nhóm tụm năm tụm ba, với đủ các thể loại trang phục từ sành điệu nhất cho đến bụi bặm nhất, rồi ở đâu đó ngoài đường ranh giới, có vài người không tìm được bạn, lủi thủi một góc.

Ngoài sân trường, thì khói thuốc nghi ngút, thi thoảng có người đang vừa nói chuyện vừa gặm bánh mì, người vội vội vàng vàng với cà phê cốc giấy… Đâu đó có vài giáo sư, hay những người đang học ở bậc cao ăn mặc như một công chức thực thụ. Nếu bắt chuyện được với ai đó thì cũng tốt, còn không, bạn cũng không phải sốt ruột gì, cứ thế mà quan sát cho hết tò mò “phim trường sống động” đi đã!!!

132 1 Ngay Dau Di Du Hoc Con Nai Vang Ngo Ngac

Bắt đầu giờ học, bạn sẽ thấy cả loạt laptop trong hội trường, rất ít người mang sách vở, giấy bút đi để chép bài. Hầu hết sinh viên chỉ xách mỗi máy tính đi học thôi. Sau một chút chào hỏi ngắn gọn, các giáo sư sẽ nhập đề luôn và bạn sẽ nghe tiếng máy tính rào rào bên tai. Trông thấy hàng loạt đồ công nghệ cao ở trường Đại học là chuyện rất bình thường, nhiều đến mức bạn không còn cảm giác gì với nó nữa.

– Mỗi buổi kiểm tra là một kì thi… căng như chão!!!

Bảo đảm với bạn là còn căng thẳng hơn THI ĐẠI HỌC đấy!!!

Bạn có vài tuần để ôn thi, để đọc hết một mớ lý thuyết bằng tiếng Pháp. Đọc và học đến khi bội thực ngoại ngữ thì thôi. Tệ hơn nữa, đó là khoảng nửa tiếng trước giờ thi, khi bạn đứng chờ cửa phòng mở để được vào, tay vẫn còn lăm lăm cuốn tập và các dòng kí tự đang không dừng nhảy múa loạn xạ… bạn sẽ thấy một thái độ cực kì kì lạ của đám cùng lớp!!! – Một vài người còn cầm tập trên tay, nhưng không ai tập trung hay lo lắng như bạn – Số đông còn lại còn nguy hiểm hơn, chẳng có gì trên tay, tiếp tục cười cười nói nói như vừa ra khỏi rạp xem phim… mọi người dường như đã chuẩn bị kĩ lưỡng cho bài kiểm tra rồi, chỉ mỗi bạn là chưa có cái gì chắc chắn trong đầu thôi!

Xem nào, bước vào phòng thi: đọc đề không hiểu, không tìm ra từ tiếng Pháp để diễn đạt ý, trong khi có hàng loạt cánh tay giơ lên xin giấy thì bạn vẫn chưa xong mặt thứ hai, bạn không còn nhớ chút gì về các vấn đề đó nữa, 5’ trước khi hết giờ – số người còn lại trong hội trường chỉ đếm trên đầu ngón tay…

Ra khỏi phòng thi thì sao??? Bạn hoàn toàn chẳng có hi vọng gì với bài làm của mình… những gì bạn nghe được xung quanh sẽ là: “Mình phải tốn khá nhiều thời gian cho câu đó!”, “Cậu đã phân tích nó như thế nào vậy?”… blah blah blah. Bạn chờ đợi một ai đó giống mình “Đề khó quá!”, “Làm bài tệ quá!”… Sao chẳng thấy ai nói vậy nhỉ?!?

Cũng một tình trạng căng thẳng đó, trong giờ học: Khi giảng viên đặt câu hỏi – Bạn chẳng kịp hiểu câu hỏi nữa là trả lời. Mà nghe các bạn cùng lớp trả lời – Bạn cũng chỉ thấy họ đang nói… một thứ gì đó… phức tạp lắm… hình như không phải là tiếng Pháp!

– Và nhiều lúc thật ngố!

Thầy giáo ngưng bài giảng để lấy một ví dụ, thầy bắt đầu nói với tốc độ của súng bắn tỉa, cả lớp cười ầm lên còn bạn thì không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Các ví dụ luôn là vấn đề khó nhất trong bài giảng, có thể, bạn sẽ chẳng thu được thêm chút thông hiểu gì với cái ví dụ “hài hước” của thầy đâu!!!

Thỉnh thoảng, bạn cũng hiểu ra chuyện mà thầy nói tới là gì. Nhưng khổ thân, lúc bạn thấy buồn cười thì chẳng có ai xung quanh hưởng ứng cùng bạn cả!

Cái tên Việt Nam đẹp đẽ của bạn sẽ được biến tấu đủ kiểu, có thể trở thành chuyện hài trường kì cho lớp học, mỗi khi thầy giáo điểm danh. Đến lúc đó, bạn sẽ được tự hào vì Tiếng Việt ta khó đến mức nào.

Có vấn đề cần phải thảo luận nhóm. Tất nhiên, bạn cũng là thành viên trong lớp, bạn cũng có nhóm để vào… Nhưng, lại vấn đề ngôn ngữ, mọi người thi nhau nói ào ào, còn bạn: “Đến hiểu thôi còn khó, làm sao theo kịp vấn đề chung để mà đóng góp ý kiến đây?”

Nhưng…

Đó chỉ là cảm giác của bạn mà thôi!

Hãy bắt đầu thích nghi bằng việc nghĩ đến trường hợp tương tự: Khi một sinh viên Lào sang Việt Nam học – ngồi cùng giảng đường Đại học Việt Nam với bạn…

Bây giờ bạn cũng giống cậu người Lào ấy, bạn sang Pháp học!

Mình từng học chung một vài môn với một đám sinh viên Anh, thì cũng là sinh viên nước ngoài, tình trạng cũng không khá khẩm hơn là mấy: họ cũng lăm lăm máy ghi âm, nói tiếng Pháp lấp vấp – phát âm không đúng chuẩn, họ còn chẳng tự viết được chữ nào – toàn nhìn và chép lại từ đám sinh viên ngồi bàn trước. Dù là từ nước giàu hay nước đang phát triển đi du học thì đều chung hoàn cảnh như nhau!

Thực ra, sinh viên phương Tây không tự tạo cho mình áp lực quá lớn về vấn đề học hành như chúng ta. Họ thích thì học, không thích thì chuyển ngành, nếu học không qua thì đành học lại. Hãy nghĩ đến chuyện học để có cái nghề sau này. Gần 40 năm đi làm mà mỗi sáng thức giấc luôn cảm thấy uể oải vì PHẢI đi làm cái việc mà mình KHÔNG MUỐN vì miếng cơm manh áo thì quả là một sự bất hạnh.

Các giảng viên cũng khá tiết kiệm điểm, thế nên sinh viên chỉ lo là không qua môn thôi… hiếm lắm mới thấy một vài nhân vật tham vọng than phiền vì chỉ được 15/20. Mình từng hỏi một cô bạn, theo mình nhận xét là cũng khá thông minh, nhạy bén, thường xuyên phát biểu trong lớp: “Cậu nghĩ là kì này sẽ qua hết các môn chứ?” – Câu trả lời là: “Không!” (khuôn mặt buồn rầu thấy rõ, chắc chắn không phải kiểu “giả vờ ngu” để hòa đồng với bạn bè!!!)

Bạn cũng không phải quá lo lắng với những bài làm 2, 3 tờ giấy… vì rất nhiều lý do: các bạn ở đây rất màu mè, thích viết lan man, thích khai triển tất tần tật những suy nghĩ của mình vào bài làm cho đúng tiêu chuẩn “tự do ngôn luận – dân chủ nơi trường đại học”, họ viết chữ to đùng đùng, thích là bắt đầu cách dòng tùm lum, viết sai thì gạch một loạt, hay đơn giản là chữ quá to… Bút xóa, bút màu không bị cấm sử dụng trong bài làm, bạn cứ tha hồ mà dùng!

Mỗi ngày cố gắng chăm chỉ hơn một tí, bắt đầu với những cuốn sách chữ to, khổ giấy nhỏ, dung lượng tầm 30-40 trang trong thư viện… Không cần đọc hết cả cuốn sách mới gọi là đọc, giở mục lục ra và tìm những từ khóa bạn đang quan tâm thôi. Bạn có thể dựa theo đề cương mà giáo viên cho từ đầu kì, lúc giới thiệu chương mới để tìm hiểu qua sách vở, tài liệu, Internet trước khi đến lớp. Nhờ đó, bạn sẽ thấy kiến thức mà các giáo sư đang nói quen thuộc hơn một tí.

Bạn không bị ngập trong một đống bùn, hoa mắt, chóng mặt. Bí quá thì hãy tìm đọc tiếng Việt để hiểu hiểu hơn một tí rồi truy lại tiếng Pháp sau. Nhiều khi, cho google translate dịch cả đoạn văn, rồi bạn đọc lại cũng là một cách. Tất nhiên, google translate dịch thì … không có gì là đảm bảo đâu, nhưng nó có thể giúp bạn tìm được một vài manh mối nào đó mở chốt cho việc đọc hiểu.

Khi nghe giảng, bạn chép được bao nhiêu thì chép, đừng lo sợ tiếng máy tính lào rào xung quanh. Đó đơn giản là hiệu ứng tiếng lách tách từ hàng trăm cái bàn phím đang thay phiên nhau gõ thôi. Không phải 100% những sinh viên xung quanh bạn đều chép được 100% những gì thầy cô vừa nói đâu.

Nhanh thì 2-3 tháng, vừa vừa thì 4-5 tháng hoặc có thể là 1-2 kì để làm quen với môi trường học mới. Hãy cố gắng không ngừng nghỉ và tâm niệm trong đầu rằng: “Từ từ thì khoai nó sẽ nhừ! Đâu khắc có đó!”… Rồi từ từ bạn sẽ thấy việc học bớt căng thẳng hơn.

Đừng đợi đến khi có người hỏi đến thì mới lên tiếng, hãy tự đảm bảo cho mình quyền phát ngôn trong nhóm bằng cách tự động lên tiếng trước. Đơn giản như nói câu chào với mọi người ngay lúc vừa bắt đầu, hay: “Excuse-moi… euh… quelqu’un peut expliquer pour moi un petit peu!” (Xin lỗi, có ai giải thích giùm mình một tí không?). Bắt đầu nói chuyện bằng cách nói chuyện học hành là đơn giản nhất: tiết sau chúng ta có môn gì thế, học ở đâu…

Nếu bạn có tài khoản facebook, sau tuần học đầu tiên, hãy thử tìm hiểu xem có group lớp trên facebook không? Với các từ khóa tìm kiếm như Classe A, serie B, faculté C, université D, 2012-2013… nếu tìm thấy group trên facebook, việc học của bạn sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều đấy!

Nguồn buubize.com

 

 


© 2024 | Thời báo PHÁP



 

Related Articles

Liên hệ

logo thoibaophap trans white 160x65

Thời báo PHÁP

22-34 rue Jules Verne, Levallois-Perret

Paris 92300

Tìm bài