Con trai từ chối về nước sống cùng tôi

Tôi gần 65 tuổi, đang định cư ở Mỹ cùng chồng, tới giờ luôn cảm thấy hối hận vì quyết định di cư từ Việt Nam 20 năm trước.

1 Con Trai Tu Choi Ve Nuoc Song Cung Toi

Hồi đó, tôi cùng chồng và con trai duy nhất di cư từ Việt Nam qua Mỹ theo diện người thân bên chồng bảo lãnh. Lúc đó kinh tế hai vợ chồng khó khăn nhưng tôi vẫn muốn ở lại, chồng và người thân đều khuyên nhủ nên đi để con trai (lúc đó cháu 12 tuổi) có cơ hội học ở trường đại học bên Mỹ sau này. Cuối cùng tôi cũng xuôi, theo chồng con qua Mỹ sinh sống. Nếu cho thời gian quay trở lại, tôi nhất quyết ngăn cản chồng.

Trong thời gian dài định cư bên này, cuộc sống kinh tế của vợ chồng rất tốt, nhờ người thân bên chồng hỗ trợ việc làm lúc mới qua cộng thêm chăm chỉ nên chúng tôi không giàu nhưng dư dả, có điều kiện về Việt Nam thường xuyên mỗi năm. Thế nhưng có vài điều khiến tôi thực sự cảm thấy ức chế:

Điều đầu tiên là mối quan hệ trong họ hàng không gắn kết như ở Việt Nam. Lúc còn ở trong nước, họ hàng bên nội lẫn bên ngoại thường xuyên tổ chức ăn uống, chưa kể ngày giỗ đều tụ tập nấu nướng, ấm cúng.

Từ khi qua đây ở gần họ hàng bên chồng, tôi nhận ra mọi người bên này tuy rất văn minh, lịch sự nhưng họ cho tôi cảm giác xa lạ, không gần gũi và lạnh lẽo. Chẳng hạn như họ yêu cầu tôi dừng việc bất ngờ tới nhà họ vào cuối tuần, phải thông báo trước rồi mới tới, trong khi ở Việt Nam chúng tôi có thể thoải mái qua lại bất cứ lúc nào. Tôi muốn cuối tuần nào cũng tụ tập ăn uống, họp gia đình nhưng không ai hưởng ứng, đa số đều chọn đi chơi riêng, chỉ tụ tập khi có lễ hay đi picnic.

Có một chuyện khiến tôi ác cảm với họ hàng bên chồng cho tới giờ. Cách đây một năm tôi xây nhà cho chị gái ở Việt Nam, thiếu khoảng một tỷ đồng. Tôi hỏi mượn anh ruột của chồng nhưng bị từ chối dù anh là chủ nhà hàng. Tôi biết rõ anh có khả năng cho mượn số tiền gấp vài chục lần con số đấy.

Tôi trách móc, anh nói một cách lạnh lùng: "Anh không bao giờ cho ai mượn tiền, anh cũng không mượn ai bao giờ, mong cô thông cảm". Anh gợi ý tôi vay ngân hàng dù biết rõ ngân hàng sẽ lấy tiền lời khi cho vay. Vì chuyện này mà tôi cắt đứt mối quan hệ với anh chồng. Tôi quan niệm, đã là người thân, máu mủ ruột già thì phải đùm bọc và giúp đỡ nhau.

Thực sự tôi rất nhớ và thương họ hàng mình ở Việt Nam, tuy nghèo nhưng đầy tình nghĩa.

Điều thứ hai: Con trai tôi qua Mỹ lúc 12 tuổi, cháu hòa nhập rất nhanh, học giỏi và cao lớn. Có điều việc qua Mỹ từ sớm làm cho tôi không thể dạy con như khi còn ở Việt Nam. Ở trong nước, mỗi lần cháu làm gì sai tôi đều theo quy tắc: Nhẹ thì quỳ rồi úp mặt vô tường, nặng thì đánh năm roi.

Tuy nhiên khi qua Mỹ, cháu bắt đầu ương bướng, học ở trường kiểu tranh luận, phân tích đúng sai rồi về nhà cãi lại. Bực quá tôi hay bắt cháu quỳ như ở Việt Nam, nhưng khi cháu thêm vài tuổi thì càng bướng bỉnh. Cháu không chịu quỳ mà còn yêu cầu tôi phải giải thích cháu sai ở đâu, nếu sai thì cháu sẽ tìm ra giải pháp để sửa chứ không được đánh cháu.

Có lần, quá tức giận vì cháu không nghe lời tôi học đàn mà chỉ thích bơi lội, tôi lấy vá canh đánh vào mông cháu, sau đó cháu bỏ nhà qua bên bà nội, hôm sau mới về xin lỗi tôi. Chồng và tôi cũng trở nên bất hòa, anh muốn tôi làm theo ý con, miễn nó không hư, không hút chích là được.

Sau này con trai học đại học ở xa, thỉnh thoảng về thăm nhà nên dần dần tôi và cháu cũng bình thường trở lại. Cháu vui vẻ với tôi, thường xuyên quan tâm, mua mỹ phẩm và thuốc bổ cho bố mẹ.

Hiện tại tôi đã tới tuổi nghỉ hưu, bàn với chồng về Việt Nam sinh sống, con trai nhất quyết không đồng ý về nước làm việc, lấy lý do đã quá quen ở Mỹ, đây mới là nhà của nó.

Nếu tôi muốn về nước, con mỗi năm sẽ về một lần thăm bố mẹ. Giờ con có công việc, đang thăng tiến. Tôi khuyên răn đủ đường, con trai cũng tốt nghiệp đại học, tiếng Anh giỏi, về nước đâu thiếu công ty nước ngoài nhận vào làm. Hơn nữa tôi muốn cháu về để hiểu thêm văn hóa Việt Nam, cháu ở Mỹ quá lâu rồi, sau này nếu tôi có cháu nội, liệu nó có còn giống như người Việt, biết nói tiếng Việt?

Tôi và con cãi nhau rất gay gắt, chồng đứng về phía con trai khiến tôi rất ức chế. Tôi phải làm thế nào để con thay đổi quan điểm?

Tôi thực sự cảm thấy xa cách với gia đình chồng bên này, muốn cả gia đình mình trở lại lúc như trước khi đi, nghèo mà đầm ấm, con trai ngoan ngoãn, biết nghe lời, không hư hỏng như bây giờ. Mong các bạn cho lời khuyên.

Thúy

Nguồn: VNEXPRESS.NET

 


© 2024 | Thời báo PHÁP



 

Related Articles

Liên hệ

logo thoibaophap trans white 160x65

Thời báo PHÁP

22-34 rue Jules Verne, Levallois-Perret

Paris 92300

Tìm bài