Sự thật về thông tin Covid-19 lây qua thực phẩm

Sau khi ổ dịch mới bùng phát tại Bắc Kinh liên quan tới chợ bán thực phẩm tươi sống Tân Phát Địa, Trung Quốc đã thực hiện xét nghiệm Covid-19 đối với hàng nghìn mẫu hải sản, thịt, rau củ quả nhập khẩu hoặc bán trong thị trường nội địa. Đến nay tất cả các xét nghiệm đều cho kết quả âm tính.

Kết quả này phù hợp với nhận định của nhiều tổ chức y tế, thực phẩm quốc tế rằng Covid-19 không lây nhiễm qua thực phẩm hoặc bề mặt bao bì đóng gói.

132 1 Su That Ve Thong Tin Covid 19 Lay Qua Thuc Pham

Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn thắt chặt kiểm soát việc nhập khẩu thực phẩm do lo ngại virus có thể liên quan đến thực phẩm nước ngoài.

Trung Quốc đã đình chỉ nhập khẩu thực phẩm của một số công ty sản xuất thịt nước ngoài và yêu cầu các doanh nghiệp khác ký xác nhận an toàn đối với sản phẩm của họ. Động thái của Trung Quốc khiến nhiều công ty thực phẩm Mỹ lo ngại, đặc biệt là trong bối cảnh Bắc Kinh cam kết sẽ tăng mua nông sản Mỹ.

“Không có bằng chứng nào cho thấy con người có thể nhiễm Covid-19 từ thực phẩm hoặc từ bao bì đóng gói. Hệ thống an toàn thực phẩm của Mỹ được giám sát nghiêm ngặt bởi nhiều cơ quan. Mỹ là nước đứng hàng đầu thế giới trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm”, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue tuyên bố.

Sau khi phát hiện Covid-19 có trên thớt lọc thịt cá hồi nhập khẩu ở chợ Tân Phát Địa, Trung Quốc đặt giả thuyết virus có thể tồn tại trong thực phẩm nhập từ nước ngoài và lây nhiễm cho người dân.

Một quan chức hải quan Trung Quốc tuần trước lưu ý rằng, nguy cơ Covid-19 lây qua thực phẩm là cực kỳ thấp. Mới đây, một bản tin từ kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc cho biết, người dân không nên quá e ngại thực phẩm nhập khẩu mà chỉ cần vệ sinh, xử lý đúng cách.

Trung Quốc và Na Uy – quốc gia sản xuất cá hồi lớn nhất thế giới – đều nhất trí với nhau rằng thực phẩm từ Na Uy không phải nguồn lây nhiễm virus ở Bắc Kinh.

Tuy nhiên, doanh số bán hải sản và thực phẩm nhập khẩu ở các siêu thị Trung Quốc vẫn đang giảm mạnh.

Để trấn an dư luận, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) và WHO tuyên bố, hầu như không có khả năng con người có thể nhiễm Covid-19 từ thực phẩm hoặc bao bì.

“Thật khó tin rằng Covid-19 có thể tồn tại trong suốt quá trình vận chuyển thực phẩm mà vẫn lây nhiễm được cho con người. Tôi không nghĩ việc kiểm soát thực phẩm hoặc bao bì đóng gói là cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của virus”, Benjamin Cowling – chuyên gia dịch tễ tại Đại học Hong Kong – nhận xét.

Trung Quốc đã đình chỉ nhập khẩu sản phẩm từ một nhà máy thịt lớn ở Đức và một nhà máy chế biến thịt gà của Mỹ.

“Chúng tôi cho rằng việc thu hồi hoặc rút một số loại thực phẩm khỏi thị trường vì Covid-19 là không cần thiết. Không có bằng chứng cho thấy sự lây lan của virus có liên quan đến thực phẩm hoặc bao bì”, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ tuyên bố.

Gregory Gray – chuyên gia dịch tễ tại Đại học Duke – cũng đồng quan điểm nói trên nhưng lưu ý rằng có lẽ nên kiểm tra xem liệu Covid-19 có tồn tại trong vật nuôi lấy thịt như gà, lợn hay không.

Viện Friedrich Loeffler và Viện nghiên cứu thú y Cáp Nhĩ Tân chỉ ra rằng, gà và lợn không có khả năng dương tính với Covid-19. Dựa trên các bằng chứng khoa học, Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) không khuyến nghị việc xét nghiệm virus trên vật nuôi.

Vương Nam – SCMP

Nguồn: Dân Việt

 

 


© 2024 | Thời báo PHÁP



 

Related Articles

Liên hệ

logo thoibaophap trans white 160x65

Thời báo PHÁP

22-34 rue Jules Verne, Levallois-Perret

Paris 92300

Tìm bài