Biến thể Omicron: WHO chưa chắc về các nguy cơ; thế giới chạy đua; Nga nghi ngờ đã có ca mắc

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, họ vẫn chưa rõ liệu biến thể mới Omicron dễ lây truyền hơn so với các biến thể khác của virus SARS-CoV-2 hay không hoặc liệu biến thể này có khiến bệnh nặng hơn hay không.  

1 Bien The Omicron Who Chua Chac Ve Cac Nguy Co The Gioi Chay Dua Nga Nghi Ngo Da Co Ca Mac

Hiện tại không có thông tin cho thấy các triệu chứng liên quan biến thể Omicron khác với những triệu chứng liên quan các biến thể khác. (Nguồn: DW)

Tuyên bố của WHO nêu rõ: "Dữ liệu sơ bộ cho thấy, tỷ lệ ngày càng tăng số ca nhập viện ở Nam Phi, nhưng điều này có thể là do số người bị mắc bệnh tăng lên, hơn là hậu quả của việc nhiễm chủng Omicron".

Tuy nhiên, cơ quan này nhắc lại rằng, bằng chứng sơ bộ cho thấy có thể có nguy cơ tái nhiễm cao hơn với biến thể này. Hiện WHO đang làm việc với các chuyên gia kỹ thuật để tìm hiểu tác động tiềm tàng của biến thể Omicron đối với các biện pháp ứng phó Covid-19 hiện nay, bao gồm cả tiêm vaccine.

WHO lưu ý: "Hiện tại chưa có thông tin cho thấy rằng, các triệu chứng liên quan Omicron khác với những triệu chứng liên quan các biến thể khác. Các trường hợp nhiễm Omicron được ghi nhận ban đầu trong số các sinh viên đại học. Những người trẻ hơn có xu hướng mắc bệnh nhẹ hơn nhưng cần hiểu là mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron sẽ kéo dài vài ngày đến vài tuần".

Theo WHO, các xét nghiệm PCR tiếp tục phát hiện nhiễm Omicron, vốn lần đầu tiên được phát hiện ở Nam Phi vào đầu tháng 11 này và các nghiên cứu đang được tiến hành để xác định liệu biến thể này có ảnh hưởng gì đến phương pháp xét nghiệm nhanh kháng nguyên hay không.

Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen nhấn mạnh, thế giới đang chạy đua để có thể hiểu biết hơn về biến thể Omicron và chống lại biến thể mới, đồng thời kêu gọi cộng đồng thực hiện các biện pháp phòng ngừa để các nhà khoa học có thời gian hiểu rõ về Omicron.

Bà nhấn mạnh: "Các nhà khoa học và nhà sản xuất cần từ 2 đến 3 tuần để có một bức tranh đầy đủ về lượng đột biến của biến thể Omicron".

Theo bà, việc tìm hiểu về Omicron cần có thêm thời gian, đồng thời kêu gọi mọi người đi tiêm phòng, đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội.

Bản hợp đồng mà EC ký với BioNTech/Pfizer mùa Hè vừa qua về việc cung cấp 1,8 tỷ liều vaccine bao gồm một điều khoản trong trường hợp xuất hiện biến thể mới có thể vô hiệu vaccine.

Theo điều khoản này, nếu xuất hiện biến thể có thể "qua mặt" vaccine, BioNTech/Pfizer có thể điều chỉnh lại vaccine trong vòng 100 ngày.

Biến thể Covid-19 mới có tên Omicron với khả năng đột biến mạnh, đang lan rộng toàn cầu, khiến nhiều nước đóng cửa biên giới, áp đặt các biện pháp nghiêm ngặt, đồng thời làm gia tăng thêm những quan ngại trong cuộc chiến chống đại dịch vốn kéo dài gần 2 năm qua.

Trong khi đó, Moderna cho biết, các chuyên gia của hãng đã bắt tay nghiên cứu vaccine chống biến thể Omicron từ dịp Lễ Tạ ơn hôm 25/11 vừa qua, ngay khi thông tin đầu tiên về đột biến này được công bố.

Theo lãnh đạo Moderna Paul Burton, sẽ phải mất vài tuần để có kiến thức đáng tin cậy về mức độ biến thể mới có thể vô hiệu tác dụng của các loại vaccine hiện tại và liệu có cần phải bào chế vaccine mới hay không. Trong trường hợp cần thiết, vaccine mới có thể được sản xuất trên quy mô lớn vào đầu năm 2022.

Tại Nga, thượng nghị sĩ Vladimir Krugly cho rằng, biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đã hiện diện, nguồn lây lan của nó có thể là những du khách Nga đã đến Ai Cập.

Ông Krugly, bác sĩ danh dự của Nga kêu gọi ngừng các chuyến bay với Ai Cập chừng nào biến thể Omicron chưa được nghiên cứu. Theo quan điểm của ông, trong mọi trường hợp, "giám sát y tế cần được thiết lập đối với những người đến từ Ai Cập”.

Ông Krugly cho rằng, Nga kiểm soát "khá lỏng lẻo" những người nhập cảnh và lưu ý về các biện pháp chống dịch cứng rắn của Israel. Thượng nghị sĩ dẫn lời các chuyên gia nói rằng việc tiêm vaccine sẽ giúp giảm thiểu ảnh hưởng của Omicron.

Tuy nhiên, ông không loại trừ rằng phiên bản SARS-CoV-2 này "có thể là mối đe dọa ngay cả đối với người đã tiêm chủng”.

Cách đây vài ngày, các nhà khoa học đã báo cáo về sự xuất hiện của Omicron ở Botswana và Nam Phi. Biến thể này chứa 32 đột biến trong protein S, cần thiết để mầm bệnh lây nhiễm sang các tế bào.

Theo các nhà nghiên cứu, nhiều thay đổi mới trong bộ gen SARS-CoV-2 này cho thấy khả năng lây lan cao của biến thể và khả năng kháng lại các kháng thể bảo vệ của người đã bị bệnh và được tiêm chủng, dù còn quá sớm để đưa ra kết luận cuối cùng.

Các chuyên gia cho rằng, Omicron ban đầu phát triển từ một người bị suy giảm miễn dịch - có thể là bệnh nhân HIV/AIDS.

Việt Hà

(theo Reuters, Tellerreport)

Nguồn: baoquocte.vn

 


© 2024 | Thời báo PHÁP



 

Related Articles

Liên hệ

logo thoibaophap trans white 160x65

Thời báo PHÁP

22-34 rue Jules Verne, Levallois-Perret

Paris 92300

Tìm bài