Lý giải hiện tượng hiếm 'đám mây hình đĩa bay bao quanh núi Bà Đen'

Mây hình “đĩa bay” bao quanh núi Bà Đen là hiện tượng hiếm khi xảy ra, nhưng không báo hiệu thời tiết bất thường, theo lý giải của các chuyên gia.

“Đám mây xuất hiện lần này có hình dạng hiếm, nhưng với những ai sống ở gần núi sẽ đôi lần nhìn thấy mây với hình dạng độc đáo”, ông Lê Đình Quyết, Phó phòng dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, nhận định khi xem ảnh đám mây được chụp tại núi Bà Đen sáng 24/11.

Hình ảnh ghi lại khoảnh khắc đám mây lớn như hình “đĩa bay” vây quanh đỉnh núi Bà Đen (xã Thạnh Tân, TP Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh) thu hút sự chú ý của nhiều người. Mây tạo thành quầng lớn bao quanh đỉnh núi nổi bật giữa nền trời xanh, tạo ra khung cảnh thiên nhiên kỳ thú.

Mây thấu kính hiếm có

Lý giải hiện tượng hiếm có này, ông Quyết cho rằng tại các ngọn núi thường hình thành những đám mây tầng thấp. Với những ngọn núi độc lập, xung quanh là địa hình thấp, bằng phẳng, độ cao 700-1.000 m như núi Bà Đen sẽ rất dễ hình thành mây trên đỉnh núi. Đặc điểm của những đám mây này là hình thành nhanh rồi tan cũng nhanh.

TS Nguyễn Ngọc Huy, cố vấn cao cấp về biến đổi khí hậu của Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, nhìn nhận đây là một đám mây thấu kính, được hình thành ở tầng đối lưu và cực kỳ đặc biệt.

1 Ly Giai Hien Tuong Hiem Dam May Hinh Dia Bay Bao Quanh Nui Ba Den

Mây thấu kính có tạo hình đẹp mắt trên đỉnh núi Bà Đen (Tây Ninh) sáng 24/11. Ảnh: Nguyễn Tuân.

Theo ông Huy, loại mây này được tạo ra từ rìa của những tầng sóng không khí hoặc giữa các lớp gió với nhau. Dù có gió mạnh cỡ vừa, đám mây cũng không bị vỡ cấu trúc hoặc bị tan.

"Nó chỉ tan khi có đám mây khác lớn hơn xâm lấn đến hoặc hơi ẩm tại chỗ ngưng bốc hơi, ngưng cấp năng lượng", ông Huy cho hay.

"Núi Bà Đen như một giá thể để hai khối không khí tương tác và xoáy quanh nó, tạo thành đĩa mây thấu kính"

TS Nguyễn Ngọc Huy

Ông Huy thông tin thêm điều kiện để hình thành mây thấu kính là có một dòng không khí khô và lạnh di chuyển theo phương ngang, song song mặt đất, đi vào một khu vực có dòng không khí nóng ẩm đang bốc hơi ổn định từ một quả núi hay đồi.

Khi lớp không khí ẩm tại núi bị đẩy lên cao gặp khối không khí khô và lạnh đi vào từ gió ngang thì ngưng tụ lại thành những đĩa mây chồng lên nhau. Núi Bà Đen tròn như một giá thể để hai khối không khí tương tác và xoáy quanh nó, tạo thành đĩa mây thấu kính.

Cùng quan điểm, Hội thiên văn học Hà Nội nhận định mây thấu kính hình thành trong điều kiện không khí ẩm và ổn định chảy qua một ngọn núi, các lượn sóng (không khí) dừng có thể hình thành ở mặt trên của núi. Cùng lúc, nhiệt độ tại đỉnh sóng giảm xuống dưới điểm sương, hơi nước sẽ ngưng tụ lại tạo thành đám mây dạng thấu kính.

Đến khi dòng không khí đi xuống chỗ lõm của sóng, đám mây có thể bốc hơi. Trong một số điều kiện nhất định, chuỗi dài các đám mây dạng thấu kính có thể kéo dài hàng trăm hoặc thậm chí hàng nghìn km.

Mây “đĩa bay” sẽ còn lặp lại

Với tạo hình được ví như “đĩa bay”, ông Quyết lý giải do những đám mây tầng thấp (mây tích) có cấu trúc thành những khối, lơ lửng ở độ cao chân mây khoảng 700-1.000 m. Do cấu trúc không bền vững, dưới tác động của gió và vận chuyển bên trong, khối mây luôn “động” nên tạo ra các hình dạng đa dạng.

"Hiện tượng này sẽ còn xuất hiện vào những ngày nhiệt độ không khí thấp, có mưa, độ ẩm cao, nhưng hình dạng khó lặp lại giống hệt"

Ông Lê Đình Quyết

Ông Quyết cho rằng rất có thể trước đó đám mây ở khu vực núi Bà Đen rộng hơn, song khi mặt trời sắp chiếu sáng, năng lượng bức xạ mặt trời và nhiệt độ không khí bắt đầu tăng, thì những đám mây ngoài rìa tan thành những mây khác được đẩy ra xa hoặc lên tầng cao.

Dần dần, những biến đổi tự nhiên vô tình tạo thành hình dạng đặc biệt. Thêm nữa, không khí có xu hướng chuyển động đi lên nhưng yếu, cũng tạo ra mây có hướng chuyển động đi lên, sau đó tạo nên các lớp trong cùng khiến đám mây giống như chiếc "đĩa bay" hay những chiếc nón xếp chồng lên nhau.

"Hiện tượng này sẽ còn xuất hiện vào những ngày nhiệt độ không khí thấp, có mưa, độ ẩm cao, nhưng hình dạng thì khó lặp lại giống hệt", ông Quyết nói và cho biết đám mây hình thành ngày hôm qua trong điều kiện khí tượng bình thường, chỉ có hình thức đám mây rất đặc biệt. Điều này không báo hiệu dấu hiệu bất thường về thời tiết.

2 Ly Giai Hien Tuong Hiem Dam May Hinh Dia Bay Bao Quanh Nui Ba Den

Những năm gần đây, núi Bà Đen trở thành địa điểm săn mây thu hút dân phượt. Ảnh: Nam Phạm.

Về nguyên nhân mây thường hình thành trên đỉnh núi, ông Quyết lý giải do đỉnh núi thường có nhiệt độ không khí thấp, độ ẩm cao và có các hạt nhân ngưng kết (sol khí) nên khí quyển càng nhanh đạt tới bão hòa hơi nước, mây dễ hình thành. Áp dụng lý thuyết này tại tại núi Bà Đen, có thể dễ dàng lý giải vì sao mây hình thành nhiều trên đỉnh núi.

Độ cao của ngọn núi này gần 1.000 m, nên nhiệt độ tại đỉnh núi thấp hơn dưới chân núi 6-7 độ C. Nhiệt độ lúc 7h ngày 24/11 tại Tây Ninh khoảng 24 độ C, độ ẩm không khí 94%, thì trên đỉnh núi Bà Đen khoảng 17 độ C. Cùng với đó, khu vực Nam Bộ mưa nhiều trong vài ngày qua, độ ẩm không khí lên tới 95-97%, đây là điều kiện tốt để hình thành mây.

Núi Bà có diện tích 24 km2, gồm 3 ngọn núi tạo thành, là núi Heo, núi Phụng và núi Bà Đen. Núi Bà Đen cao 986 m, là ngọn núi cao nhất Nam Bộ. Nơi đây thu hút khách thập phương vì cảnh núi non hùng vĩ cùng với thảm thực vật phong phú.

Theo: ZING.VN

 


© 2024 | Thời báo PHÁP



 

Related Articles

Liên hệ

logo thoibaophap trans white 160x65

Thời báo PHÁP

22-34 rue Jules Verne, Levallois-Perret

Paris 92300

Tìm bài