Việt Nam phản đối hành động xâm phạm chủ quyền tại Trường Sa

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao phản đối mọi hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam tại quần đảo Trường Sa khi bình luận việc tướng Philippines đến đảo Thị Tứ.

"Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Việt Nam kiên quyết phản đối mọi hành động xâm phạm chủ quyền và các quyền liên quan đến quần đảo này", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng trả lời câu hỏi của VnExpress trong cuộc họp báo thường kỳ chiều nay.

"Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền của Việt Nam và luật pháp quốc tế, tuân thủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, không có các hành động làm phức tạp thêm tình hình và đóng góp tích cực vào duy trì hòa bình, ổn định trên Biển Đông, cũng như tạo môi trường thuận lợi cho đàm phán Bộ quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC)", bà Hằng cho hay.

1 Viet Nam Phan Doi Hanh Dong Xam Pham Chu Quyen Tai Truong Sa

Đường băng và âu tàu Philippines xây dựng trái phép trên đảo Thị Tứ. Ảnh: AMTI.

"Các cơ quan chức năng Việt Nam luôn theo dõi sát mọi hoạt động tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, cũng như các vùng biển của Việt Nam tại Biển Đông", bà Hằng cho biết khi đề cập tới sự hiện diện của tàu hải cảnh Trung Quốc ngoài khơi đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Tư lệnh quân đội Philippines Sobejana đến đảo Thị Tứ bằng vận tải cơ C-130 hôm 7/6, và thông tin được Bộ Quốc phòng nước này công bố hôm 9/6. "Chuyến thăm nhằm kiểm tra tình hình trên đảo, phục vụ kế hoạch cải tạo hòn đảo thành trung tâm hậu cần, bảo đảm hoạt động cho lực lượng Philippines", tướng Sobejana cho hay.

Thị Tứ là thực thể thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hiện bị Philippines chiếm đóng trái phép. Nước này xây dựng trái phép một đường băng trên đảo Thị Tứ từ thập niên 1970, nhưng nó đã bị nước biển làm xói lở và bề mặt đường băng xấu khiến máy bay khó cất hạ cánh.

Manila năm ngoái phân bổ 1,3 tỷ peso (26 triệu USD) để xây dựng và cải tạo công trình trên đảo, trong đó có dự án "bê tông hóa đường băng".

Tướng Sobejana hồi đầu tháng 5 cho biết quân đội nước này sẽ đề nghị chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte chi tiền củng cố, xây thêm cơ sở hậu cần trên đảo Thị Tứ. Nguồn tin chính phủ Philippines cuối tháng trước tiết lộ Bộ trưởng Quốc phòng Delfin Lorenzana sắp ký hợp đồng sửa chữa, nâng cấp đường băng tại thực thể này.

Quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng từ năm 1974. Nước này thành lập cái gọi là "thành phố Tam Sa", đặt trụ sở trên đảo Phú Lâm từ tháng 7/2012 nhằm thâu tóm các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có Trường Sa và Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Việt Nam từng nhiều lần lên án hoạt động phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Vũ Anh

Nguồn: vnexpress.net

 


© 2024 | Thời báo PHÁP



 

Related Articles

Liên hệ

logo thoibaophap trans white 160x65

Thời báo PHÁP

22-34 rue Jules Verne, Levallois-Perret

Paris 92300

Tìm bài