Nga có thể đã dồn quá nhiều nhân lực và vũ khí cho tuyến phòng thủ đầu tiên, khiến những lớp bảo vệ phía sau mỏng hơn và dễ bị xuyên thủng.
Tư lệnh lục quân Ukraine Oleksandr Syrsky ngày 17/9 thông báo quân đội nước này đã giành lại Klishchiivka, làng chiến lược gần thành phố tiền tuyến Bakhmut. Ngôi làng được coi là bàn đạp để Ukraine có thể đánh thọc sâu vào phòng tuyến Nga ở phía nam, đồng thời đe dọa tuyến hậu cần tiếp tế cho Bakhmut.
"Thành công này khiến đối phương bị hở sườn ở phía nam, cho phép chúng tôi tiến công vào các phòng tuyến ở phía sau và tập kích tầm xa chính xác hơn bằng pháo binh, máy bay không người lái (UAV) tự sát", Illia Yevlash, phát ngôn viên quân khu miền đông của Ukraine, cho biết.
Đây được coi là thành quả đáng khích lệ với Ukraine, khi họ đã chọc thủng được phòng tuyến kiên cố nhất của Nga sau hơn ba tháng phản công. Chiếm được Klishchiivka cùng làng chiến lược Rabotino ở tỉnh Zaporizhzhia, quân đội Ukraine có thể tiến đánh xa hơn tới Tokmak, thị trấn then chốt nằm cách thành phố Melitopol khoảng 80 km.
Chiến dịch phản công của Ukraine từ đầu tháng 6 diễn biến không thuận lợi, chủ yếu là do vấp phải phòng tuyến đầu tiên mà Nga đã đầu tư nhiều thời gian, công sức xây dựng ở miền đông và miền nam. Chúng gồm hệ thống chiến hào chằng chịt, kết hợp với những bãi mìn dày đặc và phòng tuyến "răng rồng" cản trở đà tiến của xe tăng, thiết giáp đối phương.
Binh sĩ Ukraine khai hỏa về phía lực lượng Nga ở Zaporizhzhia hồi tháng 8. Ảnh: Reuters
Nga cũng triển khai lượng lớn lính dù tinh nhuệ kết hợp cùng các đơn vị tình nguyện hoặc nghĩa vụ ở tiền tuyến để bảo vệ phòng tuyến đầu tiên trước chiến dịch phản công của Ukraine.
Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích quân sự, Nga đã phạm phải sai lầm chiến thuật khi đầu tư quá nhiều công sức, lực lượng cho hệ thống phòng thủ đầu tiên trải dài hàng trăm km, khiến các lớp phòng thủ phía sau mỏng hơn rất nhiều. Sai lầm đó sẽ bộc lộ khi phòng tuyến đầu tiên bị vỡ và Ukraine dồn lực xuyên phá, phát triển mũi tấn công.
Michael Kofman, nhà phân tích quốc phòng và thành viên cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, cho biết Ukraine đang tìm cách phá vỡ tiếp phòng tuyến thứ hai của Nga và nhiệm vụ có lẽ sẽ dễ dàng hơn so với việc công phá lớp "lá chắn" đầu tiên.
Các tướng lĩnh Ukraine cũng có chung nhận định, cho rằng về lý thuyết, trận địa phòng ngự của Nga được bố trí theo chiều sâu, nhiều tầng, nhiều lớp, cho phép binh sĩ tuyến đầu có thể lùi về sau để tái bố trí lực lượng, kìm hãm bước tiến của đối phương.
Trận địa phòng ngự này được xây dựng theo ý tưởng của tướng Sergei Surovikin, người từng chỉ huy toàn bộ chiến dịch tại đây. Tuy nhiên, Surovikin sau đó mất chức và gần như không còn xuất hiện sau cuộc nổi loạn của tập đoàn quân sự tư nhân Wagner hồi tháng 6. Tướng Surovikin được cho là có mối liên hệ mật thiết với Wagner.
Người thay thế tướng Surovikin là Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov, người có tư duy chiến lược khác biệt. Trong khi Surovikin muốn triển khai thế trận phòng thủ tại chỗ cổ điển, tướng Gerasimov lại muốn áp dụng tư duy "phòng ngự chủ động", tiến hành các đợt phản công theo nhiều hướng thay vì ở yên trong chiến hào đợi địch.
Lực lượng Ukraine từ Rabtino đang tìm cách phát triển mũi tiến công tới Tokmak trên phòng tuyến thứ hai của Nga. Đồ họa: WSJ
Kết quả là thay vì bố trí lực lượng trong phòng tuyến như ý tưởng ban đầu của Surovikin, quân Nga đã liên tiếp tiến hành các cuộc phản công phía trước trận địa để đánh chặn từ sớm các mũi tiến công của Ukraine.
Kofman cho rằng đây là "chiến thuật rất tốn kém", khiến Nga mất một lượng đáng kể thiết giáp và binh sĩ trong các trận giao tranh bên ngoài phòng tuyến kiên cố.
"Phòng tuyến của Nga trông đợi vào những binh sĩ có thể rút lui về tuyến hai để tái bố trí phòng thủ", Viktor Kivliuk, đại tá quân đội về hưu hiện làm việc tại Trung tâm Chiến lược Quốc phòng Ukraine, cho hay. "Nhưng nếu không còn người rút lui từ tuyến đầu, ai sẽ bảo vệ tuyến hai?".
Kivliuk giải thích rằng lực lượng Nga vẫn còn nhiều bộ binh, nhưng không đủ xe tăng, xe chiến đấu để nhanh chóng đưa họ di chuyển từ tuyến đầu về tuyến sau, khiến phần lớn binh sĩ phải hành quân bộ, trong khi tốc độ là yếu tố rất quan trọng.
"Họ đang làm theo mệnh lệnh của chỉ huy, nhưng thiếu hụt phương tiện cơ giới khiến họ không thể thực hiện nó một cách chính xác", ông giải thích.
Phòng tuyến răng rồng của Nga ở Ukraine. Ảnh: BQP Nga
Quân đội Ukraine dường như đã nhận ra sai lầm này của Nga và đang nỗ lực thúc đẩy đà tiến công về phía Tokmak, khi các đơn vị Nga ở tuyến phòng thủ đầu tiên chưa kịp củng cố trận địa.
Do không có quân rút về từ tuyến đầu, Nga đang phải tung ra lực lượng lính dù tinh nhuệ, vốn đóng vai trò dự bị chiến lược, tới tăng cường phòng ngự ở Tokmak, theo nhận định của Bộ Quốc phòng Anh.
Nga từng triển khai Sư đoàn Cận vệ Xung kích Đường không số 76, đơn vị tinh nhuệ nhất, đến tỉnh Zaporizhzhia để "bịt lỗ hổng" sau khi Ukraine chiếm được làng chiến lược Rabotino.
Lính dù Nga giờ đây đang lập chốt kiểm soát và đào hào chống tăng dọc con đường dẫn đến Tokmak. "Động thái này cho thấy Nga ngày càng lo ngại khi các mũi tiến công chiến thuật của Ukraine đã xuyên thủng được phòng tuyến đầu tiên", Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Washington, Mỹ, nhận định.
Vũ Hoàng (Theo Business Insider, Telegraph)
Nguồn: VNEXPRESS.NET
© 2024 | Thời báo PHÁP