“Ông đồ” người Pháp mặc áo the khăn xếp, cho chữ tại Hà Nội gây “sốt”

7 năm học tiếng Việt, 4 lần tham gia hội tranh triển lãm, nhưng năm 2023 lần đầu tiên “ông đồ” người Pháp Jean – Sébastien Grill cho chữ tại Hội chợ xuân (thuộc Văn Miếu – Quốc Tử Giám).

Tại một gian lều viết chữ trong Hội chợ xuân Quý Mão 2023 (khu vực Hồ Văn, thuộc Di tích Quốc gia Văn Miếu – Quốc Tử Giám), anh Jean – Sébastien Grill (42 tuổi, quốc tịch Pháp) trong trang phục áo the, khăn xếp, đang uyển chuyển đưa nét theo chiếc bút lông, thông qua những nét chính phụ, đậm nhạt, hoàn thành bức thư pháp “Xuân phát tài”.

7 năm học tiếng Việt, 4 lần tham gia hội tranh triển lãm, nhưng đây là lần đầu tiên “ông đồ” Jean – Sébastien cho chữ tại Hội chợ xuân.

Bút danh “Trường Giang” của anh xuất phát từ cách phát âm tên “Jean” trong tiếng Pháp tương đồng với âm “Giang” trong tiếng Việt. Từ đó, một người bạn Việt Nam đã gọi anh là “Trường Giang”, với ý nghĩa “Cuộc sống lâu dài”.

Hình ảnh một ông Tây mặc trang phục truyền thống Việt Nam, cho chữ trong ngày đầu năm mới nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng.

1 Ong Do Nguoi Phap Mac Ao The Khan Xep Cho Chu Tai Ha Noi Gay Sot

Anh Jean – Sébastien vốn là nhân viên thiết kế đồ họa, sống và làm việc tại Pháp. Năm 2006, sau khi kết hôn với người vợ mang hai dòng máu Việt – Campuchia, anh bắt đầu tìm hiểu văn hóa và con người Việt. Cùng năm đó, họ về Việt Nam, cho lần đầu tiên khám phá mảnh đất hình chữ S.

Một tháng đầu, cặp vợ chồng đi du lịch xung quanh Hà Nội, lên vùng núi Tây Bắc, nhận thấy cuộc sống tại đây thoải mái, ấn tượng cách người Việt gặp gỡ và giao lưu thường xuyên như uống cà phê, ăn quán vỉa hè,… Từ đó, mỗi năm, cứ vào dịp hè, Jean – Sébastien cùng vợ về Việt Nam một lần.

“Tôi đã sống 6 năm tại Việt Nam, tự học tiếng Việt, đảm nhận thiết kế đồ họa cho một thương hiệu thời trang địa phương, đồng thời tìm hiểu các phương pháp chữa bệnh cổ truyền như tác động cột sống, châm cứu,…”, anh kể.

Giữa năm 2021, do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, người đàn ông đưa vợ và hai con (6 và 9 tuổi) về Pháp.

2 Ong Do Nguoi Phap Mac Ao The Khan Xep Cho Chu Tai Ha Noi Gay Sot

Năm 2015, Jean – Sébastien biết đến thư pháp sau lần được một người bạn Hàn Quốc giới thiệu. Anh nhận thấy hứng thú với bộ môn nghệ thuật mới, song do không biết tiếng Hàn Quốc, anh chuyển qua nghiên cứu thư pháp Việt Nam.

Trong 3 năm liên tiếp sống ở Hà Nội, anh theo học thư pháp với hai người thầy có tiếng trên phố Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm). Sau 32 buổi, anh nhận chứng chỉ đã hoàn thành khóa học.

“Tôi là người nước ngoài duy nhất trong lớp, được những người bạn Việt Nam nhiệt tình hướng dẫn về thư pháp”, Jean – Sébastien nói.

Để hiểu sâu hơn về thư pháp, người đàn ông Pháp tìm gặp những người làm khắc dấu, giấy dó,… Theo anh, đến với nghệ thuật thư pháp, chính là đến với thế giới của cái đẹp để mỗi người tự làm phong phú, hoàn thiện tâm hồn và khám phá vẻ đẹp bên trong của mình.

3 Ong Do Nguoi Phap Mac Ao The Khan Xep Cho Chu Tai Ha Noi Gay Sot

Những ngày đầu học thư pháp, Jean – Sébastien gặp khó khăn khi sử dụng chữ bút lông, luyện tập mỗi ngày để có thể viết đúng và uyển chuyển theo kiểu của thầy giáo. Theo anh, muốn viết được thư pháp đẹp và đạt, thì phải luyện gân cốt vừa cứng vừa mềm dẻo, không chỉ rèn tay, rèn chữ mà rèn cả tâm.

“Đến khi nào nét chữ thoải mái và có thần thái, thì mới đạt chuẩn”, anh nói.

Anh cũng thừa nhận bước khó nhất để hoàn thành một bức thư pháp chính là căn chỉnh bố cục. Anh tưởng tượng trên bề mặt mỗi tờ giấy dó, phần trên tượng trưng bầu trời, dưới là mặt đất, những nét chữ đậm – nhạt sẽ được hài hòa ở giữa, làm sao cân đối và hợp lý nhất.

“Tìm hiểu thư pháp của nhiều nước, tôi mong muốn biết cách thể hiện trừu tượng, sự hòa quyện giữa mỹ thuật và con người”, người đàn ông Pháp tâm sự.

Đầu tháng 1/2023, Jean – Sébastien quay lại Việt Nam, ứng tuyển “ông đồ” tại Hội chợ xuân Quý Mão. Anh gửi tác phẩm đến Văn Miếu – Quốc Tử Giám, được hội đồng khảo tuyển đánh giá cao và lựa chọn làm một trong 50 “ông đồ”. Tại cuộc thi viết chữ xuân 2023, anh đạt giải nhì viết chữ quốc ngữ.

Trong ngày khai mạc hội chợ, anh đã trình diễn và cho chữ 15 người, nhiều nhất là các chữ: Đức, Tâm, Bình an, Thịnh vượng.

Jean – Sébastien sẽ cho chữ tại Hội chợ xuân đến hết mùng 5/1 Âm lịch, sau đó về Pháp vào tháng 2.

“Đức” là chữ thư pháp mà anh thích nhất, mang nhiều ý nghĩa về con người và cuộc sống.

Gian lều cho chữ của Jean – Sébastien khiến nhiều người Việt bất ngờ và hứng thú. Sơn Quỳnh (bên trái) và Như Ý, cùng 22 tuổi, từ TP. HCM ra Hà Nội du lịch, tỏ ra thích thú khi tận mắt chứng kiến “ông đồ ngoại quốc” viết chữ thư pháp.

“Những nét chữ của anh ấy có vẻ dày hơn chữ Việt nhưng vẫn rất mềm mại, uyển chuyển. Nếu chỉ nhìn tranh vẽ, tôi không nghĩ đây là sản phẩm do người nước ngoài viết”, Như Ý nói.

“Ông đồ” Kiều Quốc Khánh – người thầy mà Jean – Sébastien theo học thư pháp, nhận xét học trò tiếp thu văn hóa cổ truyền Việt Nam nhanh hơn so với những người nước ngoài khác.

“Jean – Sébastien theo học nhiều trường phái thư pháp quốc ngữ. Trên nền tảng cơ bản, anh ấy cực kỳ sáng tạo, tạo ra nét chữ riêng mang đến sự mỹ cảm cho công chúng”, ông Khánh nói.

Nhiều lần đón Tết cổ truyền tại Việt Nam, Jean – Sébastien ấn tượng với không khí hân hoan và vui tươi khắp đường phố Hà Nội. Nếu ở Pháp, anh sẽ cùng vợ con đến một ngôi chùa Việt gần nhà, viết chữ thư pháp tặng người dân.

“Thông qua thư pháp, tôi hy vọng góp sức quảng bá văn hóa Việt Nam đến du khách quốc tế”, anh cười, nói.

Nguồn: TH

 


© 2024 | Thời báo PHÁP



 

Related Articles

Liên hệ

logo thoibaophap trans white 160x65

Thời báo PHÁP

22-34 rue Jules Verne, Levallois-Perret

Paris 92300

Tìm bài