Kế hoạch ‘Thời trang xanh’ của Pháp

Sẽ tốt hơn cho môi trường nếu bạn mua một chiếc áo phông cotton hoàn toàn mới hay một chiếc áo tái chế? Điều đó cũng còn tùy. Cùng tìm hiểu lý do vì sao Pháp đang lên kế hoạch cho cuộc cách mạng thời trang với các nhãn mác mang nội dung liên quan tới đến môi trường.

1 Ke Hoach Thoi Trang Xanh Cua Phap

Điều đó cũng còn tùy. Cùng tìm hiểu lý do vì sao Pháp đang lên kế hoạch cho cuộc cách mạng thời trang với các nhãn mác mang nội dung liên quan tới đến môi trường.

Doanh nghiệp Pháp có lên kế hoạch cho cuộc cách mạng thời trang với các nhãn mác mang nội dung liên quan tới đến môi trường.

Tái chế có những lợi ích rõ ràng, nhưng quá trình này làm rút ngắn sợi bông và do đó quá trình tái chế vải thường phải trộn với một số vật liệu gốc dầu để giữ cho sợi bông không bị hỏng. Điều này khiến việc tìm ra mức xếp hạng bền vững thực sự của quần áo trở nên khó khăn. Tuy nhiên, các thương hiệu thời trang ở châu Âu sẽ sớm không còn lựa chọn nào khác.

Vào năm tới, mọi mặt hàng quần áo được bán ở Pháp sẽ bị yêu cầu gắn kèm các nhãn mác ghi chi tiết tác động môi trường chính xác của nó. Kế hoạch này dự kiến sẽ được áp dụng cho phần còn lại của Liên minh châu Âu (EU) vào năm 2026.

Điều đó có nghĩa là để đánh giá mức độ tác động tới môi trường của từng sản phẩm phải kết hợp nhiều dữ liệu khác nhau và mâu thuẫn nhau: Nguyên liệu thô của sản phẩm được trồng ở đâu và như thế nào? Cái gì đã được sử dụng để nhuộm màu cho sản phẩm đó? Sản phẩm đó đã đi bao xa? Nhà máy chạy bằng năng lượng Mặt Trời hay than đá?

Cơ quan Chuyển đổi Sinh thái Pháp (Ademe) hiện đang thử nghiệm 11 đề xuất về cách thu thập và so sánh dữ liệu, cũng như cách thể hiện nhãn hàng sản phẩm đối với người tiêu dùng – bằng cách sử dụng 500 mặt hàng quần áo thực tế.

Erwan Autret, một trong những điều phối viên của Ademe nói: “Thông điệp của yêu cầu trên là rất rõ ràng – nó sẽ trở thành việc bắt buộc, vì vậy các thương hiệu cần chuẩn bị để làm cho sản phẩm của họ có thể truy xuất nguồn gốc và tổ chức thu thập dữ liệu tự động. Một số người nói rằng việc thống kê các dữ liệu này quá đơn giản, một số lại cho rằng chúng quá phức tạp, nhưng đó là một dấu hiệu cho thấy sự phát triển của cuộc tranh luận mà không còn ai đặt câu hỏi về sự cần thiết của những yêu cầu đó nữa”.

Nhu cầu thay đổi về sự minh bạch và đầy đủ thông tin trong lĩnh vực thời trang là rất cấp thiết. Các số liệu thống kê là khó xác minh, nhưng Liên hợp quốc cho biết ngành công nghiệp may mặc chịu trách nhiệm cho 10% lượng khí thải carbon toàn cầu, cũng như một phần đáng kể lượng nước tiêu thụ và chất thải khác. Các nhà hành động vì môi trường nói rằng, việc yêu cầu các nhãn mác liên quan đến tác động đến môi trường có thể là một phần quan trọng của giải pháp.

Chuyên gia Victoire Sotto của The Good Goods, một công ty tư vấn về thời trang và tính bền vững cho biết: “Quy định mới sẽ buộc các thương hiệu phải minh bạch hơn và được cung cấp thông tin để thu thập dữ liệu và tạo mối quan hệ lâu dài với các nhà cung cấp của họ, những điều họ vốn không quen làm. Điều này hiện có vẻ rất phức tạp để thực hiện nhưng chúng tôi đã thấy nó được áp dụng trong các ngành khác như vật tư y tế”.

Để đón đầu xu hướng, ngành dệt may đang đua nhau đưa ra các giải pháp kỹ thuật. Bài thuyết trình mới đây của Premiere Vision, một hội nghị về dệt may có trụ sở tại Paris (Pháp), đã nêu bật nhiều quy trình mới bao gồm thuộc da không độc hại, thuốc nhuộm được lấy từ trái cây và chất thải, thậm chí cả đồ lót phân hủy sinh học.

Ariane Bigot, Phó Giám đốc thời trang của Premiere Vision cho biết, chìa khóa của sự bền vững là sử dụng đúng loại vải cho trang phục phù hợp. Điều đó có nghĩa là các loại vải tổng hợp và gốc dầu vẫn sẽ có chỗ đứng. Bà Bigot nói: “Một loại vải tổng hợp có tuổi thọ rất cao có thể phù hợp với một số mục đích sử dụng, chẳng hạn như các vật dụng cần giặt ít”.

Theo bà Bigot, việc tóm tắt những tác động đến môi trường của một sản phẩm chỉ thông qua một nhãn mác đơn giản là rất khó. Nhưng hiện là thời điểm cần để khởi động nó.

Ademe sẽ đối chiếu kết quả của giai đoạn thử nghiệm vào mùa Xuân tới trước khi chuyển kết quả đó cho các nhà lập pháp. Trong khi nhiều người hoan nghênh việc áp dụng các nhãn mác liên quan đến tác động môi trường của từng sản phẩm, các nhà hành động vì môi trường vẫn cho rằng đây chỉ nên là một phần của áp lực lớn hơn đối với ngành công nghiệp thời trang trong việc bảo vệ môi trường.

Chuyên gia Valeria Botta, thuộc Liên minh Môi trường về Tiêu chuẩn cho biết, cần tập trung vào việc đặt ra các quy tắc rõ ràng về thiết kế sản phẩm để cấm các sản phẩm gây hại nhất cho môi trường ra thị trường, cấm tiêu hủy hàng hóa bị trả lại và không bán được, đồng thời đặt ra giới hạn sản lượng may mặc.

Bà nói: “Người tiêu dùng không cần phải đấu tranh để tìm ra một lựa chọn bền vững – đó phải là điều mặc định”.

Nguồn: Bnews

 


© 2024 | Thời báo PHÁP



 

Related Articles

Liên hệ

logo thoibaophap trans white 160x65

Thời báo PHÁP

22-34 rue Jules Verne, Levallois-Perret

Paris 92300

Tìm bài