Con đường để châu Âu coi Covid-19 là bệnh đặc hữu còn nhiều gian nan

Một số quốc gia châu Âu đã thay đổi cách tiếp cận đối với đại dịch Covid-19 sang phương pháp gần giống như cách điều trị bệnh cúm. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng còn quá sớm để thực hiện điều này.

Châu Âu dần “sống chung với Covid-19”

Tại Anh, Pháp, Tây Ban Nha và các nước khác trên khắp châu Âu, các chính trị gia và một số chuyên gia y tế đang thúc đẩy một cách tiếp cận mới đối với đại dịch Covid-19, đó là coi căn bệnh này trở thành một phần của cuộc sống hàng ngày.

Các nước đang nắm bắt thời điểm số ca mắc bệnh giảm dần sau khoảng thời gian tăng cao kỷ lục, và chuyển các chính sách hạn chế khỏi tình trạng khẩn cấp.

Tại Tây Ban Nha, Thủ tướng Pedro Sánchez tuần trước tuyên bố người dân sẽ “phải học cách sống chung với dịch bệnh, giống như cách chúng ta làm với nhiều loại virus khác”, đồng thời nhấn mạnh rằng đất nước nên điều chỉnh cách tiếp cận với Covid-19 phù hợp hơn.

Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran cho biết, số ca lây nhiễm cao và tỷ lệ tiêm chủng cao của nước này cũng đồng nghĩa đợt bùng phát hiện tại có thể là đợt dịch cuối cùng.

Sự thay đổi tại các nước châu Âu diễn ra ngay cả khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo còn quá sớm để có thể coi Covid-19 như cúm mùa. WHO cho rằng vẫn còn nhiều điều chưa biết về căn bệnh này, và biến thể Omicron vẫn đang khiến số ca nhiễm ở châu lục này tăng vọt.

Tuy nhiên, những chuyên gia ủng hộ chiến lược “sống chung với Covid-19” chỉ ra rằng sự gia tăng số ca mắc bệnh hiện nay khác với những ngày đầu đại dịch bởi phần lớn dân số châu Âu đã được tiêm chủng và tỷ lệ nhập viện do Covid-19 đã thấp hơn nhiều.

Anh cũng đã thay đổi chiến lược đối phó với Covid-19 kể từ đầu năm 2022. Những thay đổi bao gồm thời gian cách ly ngắn hơn và loại bỏ quy định xét nghiệm cho những du khách tới Anh. Nguyên nhân chủ yếu là do biến thể Omicron đã lưu hành rộng rãi ở Anh nên việc xét nghiệm cũng không ảnh hưởng đến việc hạn chế sự lây lan của nó.

Đã có một dấu hiệu cụ thể cho thấy Anh đang chuyển hướng trong cuộc chiến chống Covid-19. Anh ghi nhận 99.652 ca mắc bệnh mới hôm 14/1, giảm đáng kể so với 178.250 ca bệnh được báo cáo vào cùng ngày trong tuần trước.

“Không thể áp dụng trường hợp khẩn cấp mãi”, Graham Medley, giáo sư về mô hình bệnh truyền nhiễm tại Trường y học nhiệt đới và vệ sinh dịch tễ London, nói, đồng thời lưu ý rằng đại dịch có thể kết thúc theo từng giai đoạn.

Giữa sự thay đổi này, thông điệp gửi đến người dân cũng thay đổi, nhưng vẫn còn những mâu thuẫn. Trong khi một số chính trị gia tuyên bố làn sóng lây nhiễm mới nhất đã kết thúc và những người khác ủng hộ việc dần trở lại trạng thái bình thường, nhiều chuyên gia lại bày tỏ sự thận trọng về tất cả những điều chưa biết và nguy cơ các biến thể mới xuất hiện.

1 Con Duong De Chau Au Coi Covid 19 La Benh Dac Huu Con Nhieu Gian Nan

Peter English, chuyên gia về kiểm soát bệnh truyền nhiễm nói rằng đối với nhiều chuyên gia y tế công cộng và nhà khoa học ở Anh, cuộc tranh luận đã chuyển từ việc phong tỏa sang các biện pháp giảm thiểu cảm giác thông thường. Hầu hết hiện nay đang khuyến khích các biện pháp như bắt buộc đeo khẩu trang ở nơi công cộng.

“Chúng ta cần phải sống chung với Covid-19 như bệnh đặc hữu. Tuy nhiên, bệnh đặc hữu không có nghĩa là không nghiêm trọng”, ông Peter English nói, đồng thời cảnh báo ý tưởng “sống chung với Covid-19” mà không áp dụng các biện pháp phòng dịch.

Vẫn cần rất thận trọng

Tại Anh, một trong những mối lo ngại lớn nhất là áp lực mà dịch bệnh gây ra đối với Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS). Matthew Taylor, người đứng đầu tổ chức NHS Confederation, cho biết, “trừ khi mọi thứ thay đổi bất ngờ, chúng tôi đang ở gần mức cao đỉnh điểm về số bệnh nhân Covid-19 trong bệnh viện”.

Tại Tây Ban Nha, một hệ thống giám sát mới đang được sử dụng sau khi số ca mắc bệnh tăng vọt và quốc gia này gần đây đã nới lỏng các quy định cách ly. Tuy nhiên, Madrid vẫn thúc đẩy chính sách xem biến thể Omicron giống như bệnh đặc hữu dù một số bác sĩ và Cơ quan Dược phẩm châu Âu chỉ trích vì cho rằng Covid-19 vẫn đang là một đại dịch.

Tại Pháp, số ca nhiễm SARS-Cov-2 vẫn đang có xu hướng tăng lên, với gần 300.000 ca bệnh mới được báo cáo mỗi ngày trong tuần trước, cao gần gấp 6 lần so với một tháng trước. Tuy nhiên, Tổng thống Emmanuel Macron đã chọn cách giảm tối thiểu các hạn chế và tập trung vào việc thúc giục người dân tiêm chủng.

Bộ trưởng Y tế Olivier Véran cho biết, các nhà chức trách đang theo dõi chặt chẽ dữ liệu từ Anh để xác định liệu Pháp đã gần đạt tới mức đỉnh điểm của dịch hay chưa.

Trong làn sóng Omicron lần này, Đức đang đi sau vài tuần so với một số nước láng giềng châu Âu. Đức ghi nhận 80.430 ca mắc Covid-19 mới hôm 11/1, phá vỡ kỷ lục hồi tháng 11/2021. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế không khuyến khích chính phủ áp dụng các hạn chế mới bất chấp cảnh báo số ca mắc bệnh sẽ tiếp tục tăng. Nhà virus học Christian Drosten lưu ý rằng Đức cuối cùng có thể sẽ phải chuyển sang coi Covid-19 là một căn bệnh đặc hữu.

Italy cũng đang phải vật lộn với tỷ lệ lây nhiễm hàng ngày cao nhất kể từ đầu đại dịch. Trong những tuần gần đây, Italy đã thắt chặt các hạn chế, bắt buộc tiêm chủng cho những người từ 50 tuổi trở lên, yêu cầu cầu phải có thẻ xanh vaccine khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

Một người phát ngôn của Bộ Y tế Italy nói rằng đất nước “vẫn đang trong giai đoạn nhạy cảm” và số ca bệnh tăng đột biến tiếp tục gây áp lực lên các đơn vị chăm sóc đặc biệt. Các nhà khoa học Italy đồng ý rằng còn quá sớm để tuyên bố Covid-19 là bệnh đặc hữu, ngay cả khi đã đến lúc “bắt đầu suy nghĩ về tình trạng bình thường mới” và cùng sống chung với virus, nhà virus học Fabrizio Pregliasco tại Đại học Milan cho biết.

Nhiều chuyên gia y tế và nhà nghiên cứu trên khắp châu Âu cũng cho rằng nên thận trọng với việc coi Covid-19 là bệnh đặc hữu. Họ lập luận rằng việc giảm số ca mắc bệnh để tránh gây áp lực cho hệ thống y tế, bảo vệ cộng đồng và nền kinh tế vẫn là một yêu cầu cấp thiết.

“Ngay cả với những kịch bản lạc quan nhất, để Omicron lây lan không được kiểm soát sẽ mang lại những rủi ro có thể gây ra hậu quả tàn khốc”, các chuyên gia cho biết./.

Theo VOV

 


© 2024 | Thời báo PHÁP



 

Related Articles

Liên hệ

logo thoibaophap trans white 160x65

Thời báo PHÁP

22-34 rue Jules Verne, Levallois-Perret

Paris 92300

Tìm bài