Châu Âu đối mặt mùa hè khốc liệt

Sau một mùa đông ấm hơn bình thường giúp châu Âu vượt qua khủng hoảng năng lượng, các nhà khoa học cảnh báo khu vực này đang đối mặt một mùa hè khắc nghiệt. Mùa hè năm ngoái là giai đoạn nóng nhất lịch sử ở châu Âu, gây hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng 500 năm, theo các nhà nghiên cứu của Liên minh châu Âu.

Biến đổi khí hậu khiến khu vực phía nam châu Âu đối mặt hạn hán nghiêm trọng trong mùa hè, gây tình trạng thiếu nước và mất mùa.

1 Chau Au Doi Mat Mua He Khoc Liet

Khí hậu khu vực Nam Âu ngày càng nóng và khô hơn do biến đổi khí hậu, trong khi nguồn nước ngầm cạn kiệt sau nhiều năm hạn hán liên tục. Đất đai trở nên khô cằn ở Tây Ban Nha và miền nam nước Pháp, mực nước sông và hồ chứa thấp đe dọa sản lượng thủy điện mùa hè năm nay.

Năm nay, Tây Ban Nha sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề do thời tiết khô hạn trong mùa hè.

"Hạn hán sẽ tồi tệ hơn", Jorge Olcina, giáo sư địa lý tại Đại học Alicante, Tây Ban Nha, nói. "Thời điểm này trong năm, nguồn cung cấp nước duy nhất là những cơn bão cục bộ theo mùa, nhưng chúng không thể giải quyết tình trạng khô hạn".

2 Chau Au Doi Mat Mua He Khoc Liet

Hồ chứa Rialb lộ đáy khi nguồn cung nước giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1990 do hạn hán khắc nghiệt tại làng Bassella, miền trung Tây Ban Nha, ngày 6/5. Ảnh: Reuters

Không chỉ Nam Âu đang thiếu nước nghiêm trọng. Vùng Sừng châu Phi cũng đang đối mặt tình trạng hạn hán nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ, trong khi hạn hán lịch sử ở Argentina gây thiệt hại nặng nề cho sản lượng đỗ tương và ngô.

Nhiệt độ trung bình ở Địa Trung Hải đang cao hơn 1,5 độ C so với 150 năm trước. "Các dấu hiệu biến đổi khí hậu ở khu vực này phù hợp với những gì chúng tôi đã dự đoán", Hayley Fowler, giáo sư về Tác động Biến đổi Khí hậu tại Đại học Newcastle, Anh, nói.

Dù những dự báo đó đã được giới khoa học đưa ra từ lâu, các nước vẫn chậm trễ trong ứng phó biến đổi khí hậu. Nhiều vùng canh tác chưa áp dụng các phương pháp tiết kiệm nước như tưới nhỏ giọt hay chuyển sang các loại cây trồng chịu hạn tốt hơn như hoa hướng dương.

"Chính phủ và các công ty đều chậm trễ", Robert Vautard, nhà khoa học khí hậu kiêm giám đốc Viện Pierre-Simon Laplace của Pháp, nói. "Một số công ty thậm chí không nghĩ tới việc thay đổi cách thức tiêu thụ nước, mà chỉ cố tìm ra công nghệ thần kỳ nào đó có thể đem lại nhiều nước hơn".

Pháp đã phải phát cảnh báo "khủng hoảng" hạn hán ở 4 khu vực, hạn chế bơm hút nước ở các lĩnh vực không ưu tiên, kể cả nông nghiệp, khi nước này trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất kể từ năm 1959.

Hạn hán cũng đang đến sớm ở Bồ Đào Nha. Khoảng 90% diện tích nước này đang trải qua tình trạng khô hạn, trong đó 20% hứng chịu hạn hán nghiêm trọng, gần gấp 5 lần quy mô một năm trước.

Ở Tây Ban Nha, nơi lượng mưa trung bình tính đến tháng 4 chưa bằng một nửa năm ngoài, hàng nghìn người đang phụ thuộc vào xe bồn để có nước sinh hoạt, trong khi nhiều khu vực áp lệnh hạn chế sử dụng nước. Một số nông dân cho hay mùa màng của họ thiệt hại tới 80%, đặc biệt là ngũ cốc và các loại cây ép lấy dầu.

"Đây là vụ mùa thất thu nhất trong nhiều thập kỷ. Tình hình còn tệ hơn năm ngoái", Pekka Pesonen, người đứng đầu tổ chức bảo trợ nông nghiệp châu Âu Copa-Cogeca, nói về những gì đang diễn ra ở Tây Ban Nha.

Ủy ban châu Âu (EC) cho hay Tây Ban Nha là quốc gia cung cấp một nửa sản lượng oliu và một phần ba trái cây cho châu Âu. Tuần trước, Tây Ban Nha tuyên bố gói ứng phó khẩn cấp 2,2 tỷ USD để giải quyết khủng hoảng nước, trong bối cảnh các hồ chứa ở mức trung bình 50% công suất.

Bộ trưởng Nông nghiệp Tây Ban Nha Luis Planas ngày 24/4 gửi thư tới EC, đề nghị hỗ trợ khẩn cấp 450 triệu euro từ ngân sách trợ cấp nông nghiệp của liên minh. "Tác động của hạn hán nghiêm trọng tới mức không thể giải quyết hậu quả bằng nguồn ngân sách quốc gia", ông viết.

"Hạn hán nghiêm trọng ở Nam Âu đặc biệt đáng lo ngại, không chỉ với nông dân. Nếu sản lượng mùa màng của châu Âu sụt giảm đáng kể, giá tiêu dùng vốn đã rất cao có thể còn tăng thêm", Miriam Garcia Ferrer, phát ngôn viên của EC, nói.

3 Chau Au Doi Mat Mua He Khoc Liet

Cánh đồng rau thưa thớt vì hạn hán kéo dài ở Ronda, miền nam Tây Ban Nha, ngày 11/5. Ảnh: Reuters

Tình hình tương tự có thể cũng xuất hiện ở Italy, nơi 80% nguồn nước được sử dụng cho nông nghiệp. Với lượng tuyết trên núi và độ ẩm của đất năm nay đều thấp, nông dân Italy đang lên kế hoạch giảm 6% diện tích gieo trồng vụ hè.

Sau hai năm thiếu nước, một số vùng ở miền bắc Italy bước vào tháng 5 với nguồn nước dự trữ từ tuyết trên các đỉnh núi giảm 70%, trong khi độ ẩm của đất cũng thấp hơn đáng kể, theo Luca Brocca, giám đốc nghiên cứu Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia Italy.

Mặt đất quá khô cằn có thể khiến nước không thể ngấm vào đất khi mùa mưa tới, gây lũ quét tàn khốc. Giới chức Italy cho hay trận lũ do mưa lớn ở vùng Emilia Romagna đã khiến ít nhất 13 người thiệt mạng và 13.000 người phải đi sơ tán.

Hồng Hạnh (Theo Reuters)

Nguồn: VNEXPRESS.NET

 


© 2024 | Thời báo PHÁP



 

Related Articles

Liên hệ

logo thoibaophap trans white 160x65

Thời báo PHÁP

22-34 rue Jules Verne, Levallois-Perret

Paris 92300

Tìm bài