Cái giá đắt từ quyết định phút chót của ông Macron

Việc viện dẫn điều 49.3 để thay đổi chính sách nghỉ hưu đặt chính quyền Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vào tình cảnh ngặt nghèo khi phải đối mặt với một loạt làn sóng phản đối.  

1 Cai Gia Dat Tu Quyet Dinh Phut Chot Cua Ong Macron

Quyết định thay đổi chính sách nghỉ hưu của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bất chấp ý kiến của Quốc hội Pháp đã làm dấy lên nhiều luồng ý kiến trái chiều đến từ cả các nhà lập pháp lẫn những người biểu tình đối lập.

Trong nhiệm kỳ thứ hai trên cương vị tổng thống, ông Macron đã tuyên bố sẽ từ bỏ cách tiếp cận “trên bảo dưới phải nghe” và hợp tác với các đảng đối lập. Tuy nhiên, bộ máy của Tổng thống Macron dường như chưa thể bám sát phương châm này, tờ Politico nhận định.

Thất thế trước quốc hội

Nhiều tuần trước thời điểm đưa ra quyết định gây tranh cãi về vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64 tuổi, Tổng thống Macron cùng Thủ tướng Elisabeth Borne tích cực vận động hành lang và tổ chức nhiều cuộc họp lớn để tìm kiếm sự ủng hộ.

Tuy nhiên, chính phủ của ông Macron vẫn đứng trước nguy cơ thất bại trong cuộc bỏ phiếu thông qua việc sửa đổi tuổi nghỉ hưu. Ông Macron và Thủ tướng Borne do đó quyết định viện dẫn điều 49.3 trong Hiến pháp Pháp để giành chiến thắng.

“Về mặt chính trị, tôi ưu tiên việc bỏ phiếu để quyết định có thông qua dự luật hay không, song rủi ro về mặt tài chính và kinh tế là quá lớn trong thời điểm này”, ông Macron nói với các bộ trưởng trong một cuộc họp, Politico dẫn nguồn tin nội bộ cho biết.

2 Cai Gia Dat Tu Quyet Dinh Phut Chot Cua Ong Macron

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đứng trước áp lực từ công chúng lẫn các chính trị gia đối lập sau quyết định viện dẫn điều 49.3. Ảnh: AP.

Việc cải cách chính sách nghỉ hưu của chính quyền ông Macron chủ yếu xoay quanh việc nâng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64, đồng thời lao động cần đáp ứng nhiều khoản đóng góp hơn nếu muốn nhận lương hưu đầy đủ.

Đảng Phục hưng của ông Macron mất thế đa số trong cuộc bầu cử quốc hội năm 2022. Dẫu vậy, chính phủ vẫn có thể thông qua những dự thảo trong vài tháng gần đây nhờ vào sự trợ lực của đảng Cộng hòa.

Tuy nhiên, trong giai đoạn chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu, nhiều luồng ý kiến lo ngại Tổng thống Macron không thể huy động đủ lực lượng ủng hộ dự luật.

Trước Quốc hội Pháp hôm 16/3, Thủ tướng Borne phải đối mặt với một loạt luồng ý kiến phản đối đi kèm thái độ kích động khi bà tuyên bố viện dẫn điều 49.3 để thông qua dự luật nâng tuổi nghỉ hưu.

Các nhà lập pháp cực tả thuộc đảng France Unbowed liên tục la ó trong khi nhiều nghị sĩ đảng Mặt trận Quốc gia Pháp cực hữu hét lớn “Từ chức! Từ chức đi!”.

Đáp lại, bà Borne nói trước quốc hội: “Chúng ta không thể mạo hiểm tranh luận suốt 175 tiếng đồng hồ mà chẳng đi đến đâu”.

Sau khi Thủ tướng Borne thông báo việc thông qua dự luật sửa đổi luật nghỉ hưu, các nghị sĩ đối lập tuyên bố sẽ tiếp tục đấu tranh để đảo ngược quyết định, hoặc tại quốc hội, hoặc thông qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, hoặc trên đường phố.

Bà Marine Le Pen, lãnh đạo đảng Mặt trận Quốc gia Pháp, cho rằng động thái viện dẫn điều 49.3 để thông qua việc sửa đổi quy định nghỉ hưu là một “thất bại cá nhân” đối với ông Macron.

Nhiều cuộc biểu tình phản đối động thái của chính quyền ông Macron đã nổ ra trên khắp nước Pháp. Tại Paris, hàng nghìn người biểu tình đã đổ về Quảng trường Concorde. Họ sẵn sàng đụng độ với lực lượng chấp pháp. Các tổ chức công đoàn cũng kêu gọi tổ chức ngày biểu tình vào 23/3 trong nỗ lực đảo ngược quyết định mới được đưa ra.

3 Cai Gia Dat Tu Quyet Dinh Phut Chot Cua Ong Macron

Người biểu tình xuống đường ở Paris để phản đối quyết định của chính quyền ông Macron. Ảnh: AP.

Hệ quả nhãn tiền

Việc viện dẫn điều 49.3 được nhiều người xem là một động thái nguy hiểm, chủ yếu xuất phát từ nguy cơ làm bùng nổ các làn sóng biểu tình phản đối chính phủ ở Pháp. Đơn cử, tại Paris, một cuộc đình công với sự tham gia của các công nhân vệ sinh đã khiến 7.000 tấn rác bị bỏ lại trên đường phố.

Hiến pháp Pháp cho phép chính phủ bỏ qua ý kiến của quốc hội trong một số điều kiện nhất định. Tuy nhiên, việc viện dẫn điều 49.3 ngày càng chịu nhiều ý kiến tiêu cực và bị cho là phi dân chủ, đặc biệt trong bối cảnh công chúng tỏ thái độ hoài nghi với giới chính trị gia.

“Việc chính phủ sử dụng điều 49.3 phản ánh sự thất bại mà nhóm thiểu số của tổng thống đang gặp phải”, Charles de Courson, thành viên Hạ viện Pháp, nói với BFMTV.

“Họ không chỉ là nhóm thiểu số trong quốc hội mà còn là nhóm thiểu số trên toàn đất nước”, ông Courson nói. “Sự kháng cự trước nền dân chủ vẫn cứ tiếp diễn”.

“Ý kiến của công chúng về điều 49.3 đã thay đổi”, Frédéric Dabi, Tổng giám đốc công ty nghiên cứu bỏ phiếu IFOP, nói. “Việc viện dẫn điều 49.3 giờ đây bị xem là biểu hiện của sự độc đoán. Ngày nay, công chúng trông chờ sự dân chủ và minh bạch hơn”.

 4 Cai Gia Dat Tu Quyet Dinh Phut Chot Cua Ong Macron

Hàng tấn rác bị bỏ lại trên đường phố Paris sau đợt đình công của những công nhân vệ sinh phản đối quyết định thay đổi chính sách nghỉ hưu. Ảnh: Reuters.

Trong tương lai gần, chính quyền ông Macron sẽ phải đối mặt với một loạt nỗ lực kích hoạt quá trình bỏ phiếu bất tín nhiệm, dự kiến bắt đầu vào ngày 20/3 (giờ địa phương).

“Đây có thể là lần đầu tiên quy trình bỏ phiếu bất tín nhiệm đủ sức gạt bỏ chính phủ”, nghị sĩ Julien Bayou nhận định.

Về lâu dài, động thái viện dẫn điều 49.3 vừa qua khiến khả năng hình thành một liên minh chặt chẽ giữa đảng Phục hưng và đảng Cộng hòa bảo thủ trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Điều này đồng nghĩa rằng ông Macron sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm đồng minh và lực lượng ủng hộ trong tương lai.

Báo New York Times kết luận: Ông Macron sẽ đối mặt sự giận dữ, và chỉ có một mình.

Đại Hoàng

Nguồn: zingnews.vn

 


© 2024 | Thời báo PHÁP



 

Related Articles

Liên hệ

logo thoibaophap trans white 160x65

Thời báo PHÁP

22-34 rue Jules Verne, Levallois-Perret

Paris 92300

Tìm bài