Anh chính thức phát hiện 2 ca nhiễm biến thể Omicron: Thế giới bước vào mức cảnh giác cao nhất vì biến chủng Covid tồi tệ chưa từng có

Cả châu Âu hiện đang cuống cuồng áp lệnh cấm di chuyển, tăng tốc giải mã di truyền sau khi một vài quốc gia ghi nhận các ca nhiễm Omicron - "siêu biến thể" Covid-19 đang gây lo ngại nhất hiện nay.

Châu Âu hiện đang cuống cuồng ban hành lệnh hạn chế di chuyển, sau khi một số quốc gia công bố các ca nhiễm có liên quan đến Omicron - siêu biến thể Covid được đánh giá là "tồi tệ nhất" từ trước đến nay.

Hôm 26/11, giới khoa học công bố biến thể Omicron đã được tìm thấy tại Nam Phi, Botswana, Hong Kong (Trung Quốc) và Bỉ, với lời cảnh báo từ CDC châu Âu về khả năng biến thể lây lan ra toàn châu lục là "từ cao đến rất cao".

Như để xác minh lo ngại này, đến giữa ngày 27/11 (giờ địa phương), Anh Quốc thông báo đã phát hiện được 2 ca nhiễm biến thể Omicron, ở những người trở về từ phía nam châu Phi. Ngoài ra, hàng chục ca nhiễm khác đang bị nghi là từ biến thể này tại Hà Lan, Đức, và CH Czech.

Biến thể tồi tệ nhất xuất hiện, thế giới tiến vào mức cảnh báo cao nhất

Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia dịch tễ hàng đầu Hoa Kỳ nhận định nhiều khả năng biến thể mới đã có mặt ở Mỹ, dù chưa phát hiện ra.

Bộ trưởng Bộ Y tế Anh Sajid Javid cho biết, 2 ca nhiễm tại Anh là từ các trường hợp từng tới phía nam châu Phi - khu vực được cho là nơi Omicron xuất hiện. "Tất cả đều đang tự cách ly tại nhà, trong khi công tác lần vết xét nghiệm vẫn đang tiếp tục thực hiện."

Quốc vụ khanh của Đức Hesse Kai Klose cho rằng "khả năng cao" Omicron đã tới Đức sau trường hợp nghi nhiễm là người trở về từ Nam Phi. Tuy nhiên, quá trình giải mã trình tự gene cần gấp rút được thực hiện để khẳng định điều này.

1 Anh Chinh Thuc Phat Hien 2 Ca Nhiem Bien The Omicron The Gioi Buoc Vao Muc Canh Giac Cao Nhat Vi Bien Chung Covid Toi Te Chua Tung Co

Các chuyên gia y tế nhận định cần thêm nhiều dữ liệu để khẳng định về khả năng lây nhiễm, gây triệu chứng cũng như né tránh vaccine của siêu biến thể Omicron

Tương tự, các quan chức y tế tại CH Czech đang tiến hành điều tra một trường hợp trở về từ Namibia nghi nhiễm biến thể Omicron. Người này cho kết quả dương tính khi xét nghiệm PCR, nhưng vẫn cần phải giải mã trình tự để khẳng định biến chủng đã lây nhiễm là gì.

Giới chức Hà Lan thì đang tìm hiểu khả năng nhiễm biến thể mới trên 61 trường hợp trở về từ Nam Phi dương tính với Covid-19.

Tại Mỹ, CDC cho biết hiện tại vẫn chưa phát hiện ca nhiễm Omicron nào cả, nhưng Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia dịch tễ hàng đầu Hoa Kỳ nhận định nhiều khả năng biến thể mới đã có mặt ở đây, dù chưa phát hiện ra.

"Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu nó (Omicron) đã tới. Chúng tôi chưa phát hiện ra ca nào cả, nhưng với một biến thể mang khả năng lây nhiễm mạnh mẽ như vậy và những ca nhiễm có lịch sử di chuyển liên quan đến vùng dịch, gần như chắc chắn nó sẽ lây lan."

Cuối ngày 26/11, Tổ chức Y tế Thế giới WHO ra thông báo đã xuất hiện các bằng chứng cho thấy biến thể Omicron có nguy cơ làm tăng khả năng tái nhiễm, và bày tỏ lo ngại về một số đột biến của "siêu biến thể" này. Họ đồng thời cũng đưa Omicron vào danh sách "biến thể gây lo ngại" - ngang hàng với Delta, biến chủng chiếm ưu thế toàn cầu hiện nay. Tuy nhiên, WHO lưu ý vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu để khẳng định được rằng biến thể mới có khả năng lây nhiễm mạnh hơn hay gây ra triệu chứng nặng hơn, hoặc kháng được vaccine hiện hành hay không.

Dẫu vậy, thông tin về biến thể Omicron đang khiến cả thế giới phải hoang mang. Một số quốc gia đã tiến hành lệnh cấm các chuyến bay từ châu Phi, trong khi thị trường chứng khoán toàn cầu "đỏ lửa".

Lawrence Young, chuyên gia virus học từ Anh Quốc nhận xét Omicron là một biến thể "rất đáng lo ngại".

"Nó là một phiên bản virus đột biến mạnh nhất từ trước tới nay. Nó mang theo những thay đổi đã từng được chứng kiến ở các biến chủng trước đây, nhưng chưa bao giờ cùng tồn tại ở một biến thể cả. Ngoài ra, nó có cả những đột biến chưa thấy bao giờ," - Young nhận xét.

Các chuyên gia Nam Phi hôm 25/11 thông báo "siêu biến thể" Omicron có số lượng đột biến cao bất thường - lên tới 50 đột biến. Đáng chú ý, có tới 30 đột biến diễn ra trong các gai protein - cấu trúc virus sử dụng để xâm nhập vào tế bào khi tấn công cơ thể người.

Cách ly châu Phi

Sau khi có thông báo về biến thể Omicron, nhiều quốc gia trên thế giới đã lập tức đóng cửa di chuyển với các quốc gia phía nam châu Phi. 

Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Anh Quốc, Úc, Nhật Bản, Nga, Brazil, Arab Saudi, Israel, Ai Cập, Philippines, Thái Lan và rất nhiều quốc gia khác đã ban hành hoặc đề xuất lệnh cấm nhập cảnh đối với khu vực này. Trong đó, chủ yếu các lệnh cấm nhắm vào Nam Phi, Botswana, Zimbabwe, Namibia, Lesotho, Eswatini, Mozambique và Malawi.

2 Anh Chinh Thuc Phat Hien 2 Ca Nhiem Bien The Omicron The Gioi Buoc Vao Muc Canh Giac Cao Nhat Vi Bien Chung Covid Toi Te Chua Tung Co

Biến thể Omicron đã đi xuyên qua nhiều lục địa chỉ trong 2 tuần

Chính phủ Nam Phi thì phản đối hành động này. "Xuyên suốt đại dịch, chúng ta đã chứng kiến được rằng việc cấm nhập cảnh đối với những người từ các quốc gia có biến chủng mới thực sự không đem lại hiệu quả gì đáng kể," - trích thông báo của chính phủ Nam Phi.

Giới chức y tế Nam Phi đang được giới khoa học ca ngợi vì phản ứng nhanh trước các ổ dịch tại tỉnh Gauteng, qua đó sớm phát hiện được biến thể mới. Tuy nhiên theo Tiến sĩ Richard Lessells, chuyên gia từ ĐH KwaZulu-Natal (Durban, Nam Phi), quốc gia này lại đang bị "trừng phạt" vì đã quá minh bạch thông tin.

"Tôi cảm thấy rất buồn, không chỉ vì lệnh cấm di chuyển từ Anh và châu Âu mà còn vì đó là động thái duy nhất họ thực hiện. Không có bất kỳ lời động viên hay hỗ trợ nào được đưa ra dành cho các quốc gia tại châu Phi để góp phần kiểm soát dịch bệnh."

Theo Pháp luật & Bạn đọc

 


© 2024 | Thời báo PHÁP



 

Related Articles

Liên hệ

logo thoibaophap trans white 160x65

Thời báo PHÁP

22-34 rue Jules Verne, Levallois-Perret

Paris 92300

Tìm bài