Chuyện về đại gia gốc Việt tại Pháp từng có khát vọng muốn mua lại Tháp Eiffel

Trước khi gây xôn xao với đồn đoán muốn mua lại Tháp Eiffel mang tính biểu tượng của nước Pháp, triệu phú người Pháp gốc Việt Chúc Hoàng đã nắm trong tay cơ ngơi đồ sộ và một sự nghiệp đáng nể phục.​

Vị đại gia kín tiếng

Trong số những người gốc Việt gây ấn tượng mạnh tại Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng toàn cầu có triệu phú người Pháp gốc Việt, người từng nổi tiếng khắp nước Pháp về “dự định mua lại tháp Eiffel”, đó là ông Chúc Hoàng.

Theo truyền thông Pháp, với tổng giá trị tài sản khoảng 290 triệu Euro (tương đương 395 triệu USD), ông Chúc Hoàng có tên trong danh sách 200 người giàu nhất nước Pháp. Tuy nhiên, số tài sản thực của ông có thể còn lớn hơn so với con số này. Ngoài ra, ông Chúc còn có trong tay khoảng 40 công ty. Là người gốc Thái Bình, ông Chúc sang Pháp từ năm 1961. Với thành tích học tập xuất sắc, ông tốt nghiệp trường Bách Khoa của Pháp vào năm 1969.

Sau khi tốt nghiệp, ông từng có vài năm làm việc cho Quỹ Tiền gửi và ký thác rồi bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh. Ban đầu, ông hợp tác với con trai ông chủ chuỗi cửa hàng Nouvelles Galeries của Pháp, chuyên mua lại các cửa hàng bánh quy, cửa hàng thịt lúc bấy giờ. Về sau, 2 người tách ra làm riêng, ông Chúc giữ lại các cửa hàng thịt và phát triển kinh doanh với nhãn hiệu Schmid - một thương hiệu dưa bắp cải lớn ở Paris.

1 Chuyen Ve Dai Gia Goc Viet Tai Phap Tung Co Khat Vong Muon Mua Lai Thap Eiffel

Ông Chúc Hoàng từng có khát vọng mua Tháp Eiffel.

Ông Chúc dần gây dựng được cơ nghiệp lớn bằng cách mua các công ty đang thua lỗ và gây dựng cho đến khi chúng làm ăn khởi sắc thì bán lại. Ví dụ, năm 1995, Ngân hàng Vernes mất khả năng chi trả nên bán Chi nhánh Eurobail chuyên cho thuê tài chính bất động sản. Ông đã đứng ra mua lại cả chi nhánh ngân hàng này và tìm cách vực dậy. Hiện nay, cơ sở này trở thành “con gà đẻ trứng vàng” cho ông.

Vài năm sau, ông Chúc quyết định “chơi lớn” hơn khi mua lại các khoản nợ khó đòi của Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs với giá bèo. Cả thương vụ này và thương vụ kế tiếp là mua cổ phần của Bigben Interactive - nhà phân phối thiết bị chơi game hàng đầu châu Âu - sau đó đều mang lại cho ông những khoản lời khủng. Cơn sốt bất động sản ở Pháp cũng là một nguồn mang đến cho ông nhiều tiền tài.

Dĩ nhiên, trên thương trường, ông Chúc cũng nếm trải không ít thất bại. Cuối những năm 1980, ông đã mất một khoản kha khá khi bỏ tiền đầu tư vào một khách sạn. Thương vụ mua lại hãng chuyên sản xuất xe đồ chơi Majorette vào năm 2008 cũng thất bại... Tuy nhiên, sau nhiều năm lăn lộn trên thương trường, như nhận xét của luật sư Nicole Guedj (nguyên Quốc vụ khanh dưới thời Tổng thống Jacques Chirac, hiện đang làm cố vấn cho ông Chúc) với sự thận trọng và can đảm của một nhà quản trị giỏi, ông đã gây dựng được một tập đoàn với những thành tích đáng nể.

Trong nhiều thập kỷ qua, doanh nhân Chúc khá kín tiếng trước công chúng Pháp nhưng ông chính là người đứng phía sau khá nhiều doanh nghiệp có tiếng tại nước này như Công ty Phương Đông, Công ty MI29 hay Địa ốc Wilson... Luật sư của ông cho biết, vị triệu phú chơi thuần thục môn bài tẩy từ năm lên 10 tuổi rất thích phân tích chiến lược và chiến thuật. “Ông ấy luôn luôn lật đi lật lại các phương án, chọn lựa cách tốt nhất và giữ được cái đầu lạnh, không biểu lộ buồn vui”, một người bạn của ông cũng nhận xét.

2 Chuyen Ve Dai Gia Goc Viet Tai Phap Tung Co Khat Vong Muon Mua Lai Thap Eiffel

Triệu phú gốc Việt tại Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng toàn cầu.

Năm 2014, vị đại gia gốc Việt nói trên từng gây xôn xao với thông tin ông muốn “mua lại” Tháp Eiffel. Tuy nhiên, trên thực tế, thông tin được công bố sau đó cho biết, ông Chúc thực chất muốn mua một công ty có tên Tháp Eiffel (Société de la Tour Eiffel). Công ty này được ông Gustave Eiffel (kỹ sư cha đẻ của Tháp Eiffe,l thành lập vào năm 1889) để quản lý và vận hành công trình về sau trở thành biểu tượng của nước Pháp.Thương vụ “mua tháp Eiffel” bất thành

Song, đến nay, STE chỉ còn thừa hưởng cái tên còn hoạt động của công ty không hề dính dáng đến ngọn tháp nổi tiếng thế giới nữa. Hiện tại, công ty là đơn vị chủ yếu hoạt động kinh doanh địa ốc, quản lý nhiều tòa nhà văn phòng, nhà đất ở Paris. Ông Chúc Hoàng bắt đầu quan tâm đến Công ty tháp Eiffel từ cuối năm 2012 và cho đến năm 2014 thì đã sở hữu 30,74% cổ phần. Trong khoảng thời gian này, ông từng muốn thâu tóm công ty nhưng không thành do bị 2 người bạn “lật kèo”. Đến giữa năm 2014, khi Công ty Tháp Eiffel lâm vào nợ nần chồng chất, ông Chúc tiếp tục gửi đơn lên cơ quan Quản lý thị trường tài chính Pháp (AMF) xin mua lại Công ty Tháp Eiffel.

Song, thương vụ này cũng không thành công vì công ty bảo hiểm các tòa nhà và công trình công cộng SMABTP muốn nắm giữ đa số cổ phần Công ty Tháp Eiffel nên đã nâng giá cổ phiếu lên cao hơn so với dự kiến ban đầu. Giá ông Chúc đưa ra là 55 euro/cổ phiếu nhưng SMABTP đã nâng giá cổ phiếu muốn mua lại lên mức 58 euro/cổ phiếu, tăng 21%.

Kết thúc vụ này, dù không mua được công ty trên nhưng với tư cách nhà đầu tư lớn nhất, nắm 30,3% vốn của Công ty Tháp Eiffel, ông Chúc vẫn đã thu về khoản lợi nhuận đáng kể. Hiện tại, vị doanh nhân này đang sở hữu 30,74% cổ phần của Công ty Tháp Eiffel.

Được xây dựng từ tháng 1/1887 đến tháng 3/1889, Tháp Eiffel ban đầu chỉ là cổng chào cho cuộc đại triển lãm thế giới nhân kỷ niệm 100 năm ngày cách mạng Pháp. Tuy nhiên, về sau, Eiffel đã trở thành công trình biểu tượng của nước Pháp. Theo thông tin được đăng tải, quyền quản lý và khai thác kinh doanh biểu tượng này đang được Tòa thị chính Paris trao cho Société d’Exploitation de la Tour Eiffel (SETE - Công ty Khai thác tháp Eiffel). Công ty này do thành phố Paris giữ gần 60% vốn. Phần vốn góp còn lại do 5 công ty bao gồm Dexia Credit Local, Eiffage, Ufipar (thuộc tập đoàn LVMH), Unibail và Safidi SA nắm giữ, với mỗi doanh nghiệp sở hữu 8% vốn.

Chính vì sự tương đồng, trùng hợp trong tên của hai công ty đã khiến không ít người nghĩ rằng Eiffel vẫn thuộc quyền quản lý của Công ty Tháp Eiffel có tuổi đời hơn 100 năm thay vì doanh nghiệp Nhà nước tồn tại chưa đầy một thập kỷ như SETE. Cũng vì vậy mà nhiều người đồn đoán rằng triệu phú gốc Việt muốn mua tòa tháp nổi tiếng của Pháp.

Trước đó, tháng 6/2015, ông Chúc cũng đã thành công khi mua lại toàn bộ khách sạn Nikko. Đây là khách sạn của người Nhật, được coi là điểm tập trung của người Nhật giữa thủ đô Pháp. Các thông tin được công bố cho biết, khách sạn Nikko cao 100m, với 764 phòng, là 1 trong 3 khách sạn rộng nhất thủ đô Paris. Thương vụ mua bán này trị giá 200 triệu USD. Ông Chúc cũng đã theo đuổi thương vụ này suốt 10 năm. Đây cũng là hợp đồng lớn nhất trong sự nghiệp của ông ính đến thời điểm hiện nay.

Dòng máu Việt Nam là một lợi thế

Tại Diễn đàn người Việt có tầm ảnh hưởng toàn cầu, ông Chúc kể, khi còn trẻ, vì có khuôn mặt châu Á nên đôi khi ông bị nhầm là người Hoa nhưng ông luôn đính chính lại luôn mình là người Pháp gốc Việt. Vẫn theo ông Chúc, trong những năm tháng kinh doanh tại nhiều nơi trên thế giới, ông nhận ra rằng dòng máu Việt Nam là một lợi thế. “Khi tôi nói tôi là người Việt Nam, tôi nhận được nhiều thiện cảm, kính trọng”, ông nói và cho biết sự thiện cảm, kính trọng đó có được là nhờ vào lịch sử của dân tộc.

Ông Chúc khẳng định, chính vì tự hào với nguồn gốc này khiến ông luôn tự nhắc bản thân không được thất bại. “Tôi bắt buộc phải thành công. Vì tôi mang trong mình dòng máu Việt. Tôi có đủ niềm tin, và niềm tin mạnh mẽ đó giúp tôi thành công”, ông nói. Từ kinh nghiệm của bản thân, vị triệu phú nhắn nhủ những người Việt khác khi ra thế giới hãy biết tận dụng nguồn gốc của mình, xem nó là một bước lợi thế để có thể dấn sâu, hòa nhập và phát triển hơn nữa.

Tuy nhiên, ông Chúc cũng không ngần ngại khi nói đến những mặt chưa đẹp của người Việt. “Việt Nam mình có hai câu mà tôi thấy rất tồi. Thứ nhất là nói chuyện làm quà. Tôi không bao giờ làm quà câu chuyện của tôi, tôi nói là tôi làm. Thứ 2 là nói chuyện xong thôi”, ông Chúc nói. Theo ông này, mấu chốt để xây dựng thương hiệu cá nhân, thương hiệu Việt Nam là phải làm sao để “mình nói một câu thì người ta sẽ tin là cái câu đó mình sẽ làm”.

Nguồn: baophapluat

 


© 2024 | Thời báo PHÁP



 

Related Articles

Liên hệ

logo thoibaophap trans white 160x65

Thời báo PHÁP

22-34 rue Jules Verne, Levallois-Perret

Paris 92300

Tìm bài