Bị bỏ rơi ở trạm y tế, cô gái người Pháp tìm mẹ Việt sau 20 năm

Hơn 20 năm qua, Solène Martel - cô gái người Pháp gốc Việt luôn mong mỏi được tìm lại người mẹ đã bỏ rơi mình.

5 tiếng ngắn ngủi ở bên mẹ

Ở tuổi 24, Solène Martel (tên Việt Nam là Trần Thị Thanh Xuân, sống ở Pháp) luôn day dứt về nguồn cội của mình. Chưa ngày nào cô gái người Pháp gốc Việt thôi mong ước về giây phút đoàn tụ với mẹ ruột đã bỏ rơi mình cách đây hơn 20 năm.  

23h30 phút ngày 27/8/1998, Solène cất tiếng khóc chào đời tại trạm y tế xã Phúc Xuân, Thái Nguyên. Đứa trẻ mới lọt lòng chỉ được ở bên mẹ vỏn vẹn 5 tiếng.

Khoảng 5h30 sáng, nghe thấy tiếng Solène khóc, y tá chạy vào phòng thì mẹ của cô không còn ở đó. 

Theo những thông tin ghi trên giấy tờ còn lưu lại, người mẹ nói tên là Trần Thị Hảo (năm nay người này khoảng 44-45 tuổi), sống tại xã Thịnh Đán (nay đổi tên là xã Quyết Thắng, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên). Sau khi sản phụ rời khỏi trạm y tế không để lại thông tin gì, các y bác sĩ đã nhờ công an vào cuộc.

1 Bi Bo Roi O Tram Y Te Co Gai Nguoi Phap Tim Me Viet Sau 20 Nam

Hình ảnh Solène chụp cùng người nhận nuôi dưỡng trong 4 tháng tại Việt Nam. (Ảnh: Solène).

Qua xác minh, thời điểm đó, trên địa bàn xã Thịnh Đán, thành phố Thái Nguyên không có ai tên như vậy. Sau mọi nỗ lực bất thành, phía trạm y tế đã giao Solène cho một người nuôi dưỡng và bé gái được đặt tên là Trần Thị Thanh Xuân.

4 tháng sau, một cặp vợ chồng người Pháp làm thủ tục với cơ quan chức năng Việt Nam, nhận nuôi Thanh Xuân và đặt tên là Solène.

Năm 2004, bố mẹ nuôi có đưa Thanh Xuân về Việt Nam với mong muốn con gái biết được nguồn cội và nơi sinh ra. Nhân chuyến đi đó, cả nhà nuôi hy vọng tìm lại mẹ cho Solène nhưng không có kết quả.

2 Bi Bo Roi O Tram Y Te Co Gai Nguoi Phap Tim Me Viet Sau 20 Nam

Ảnh Solène chụp trong lần về Việt Nam cùng bố mẹ nuôi năm 2004. (Ảnh: Solène).

Cho đến nay, thời gian đã lùi xa, ký ức về chuyến đi dần nhạt nhòa theo năm tháng. Tuy nhiên, niềm mong mỏi được trở về Việt Nam tìm mẹ cứ lớn dần lên và thôi thúc cô phải thực hiện bằng mọi cách.

Không được mẹ ruột bế bồng, chăm sóc từ bé, nhưng cô may mắn khi được sống giữa tình thương yêu của bố mẹ nuôi. Từ những năm tiểu học, bố mẹ nuôi không hề giấu giếm sự thật Solène là con nuôi.

3 Bi Bo Roi O Tram Y Te Co Gai Nguoi Phap Tim Me Viet Sau 20 Nam

Tờ giấy khai sinh của Solène Martel (tên Việt Nam là Trần Thị Thanh Xuân). (Ảnh: Solène).

"Từ khi còn bé, tôi đã biết mình là con nuôi và nơi sinh ra nên không có gì bất ngờ hay sốc. Lên cấp 2, tôi càng tò mò và suy nghĩ nhiều hơn, muốn biết mẹ ruột trông như thế nào, có giống tôi không... Từ đó, tôi luôn ấp ủ dự định có một ngày sẽ về Việt Nam để tìm lại mẹ", Solène tâm sự.

Sinh ra và sống ở đất mẹ một quãng thời gian ngắn rồi sang Pháp nhưng Solène luôn cảm nhận sự gần gũi với Việt Nam. Cô yêu văn hóa, con người, ẩm thực của Việt Nam. Cho nên, cô gái người Pháp gốc Việt luôn mong muốn được trở về với nguồn cội, bởi nơi đây có rất nhiều điều hấp dẫn để khám phá.

Sẽ tha thứ cho mẹ

Mỗi ngày trôi qua, Solène cảm nhận được tình thương yêu và sự ấm áp của bố mẹ nuôi và các thành viên trong gia đình trên đất Pháp. Cuộc sống vật chất đầy đủ, vậy nhưng trong lòng cô vẫn khôn nguôi nghĩ về người mẹ đẻ mà đến nay vẫn chưa biết mặt.

4 Bi Bo Roi O Tram Y Te Co Gai Nguoi Phap Tim Me Viet Sau 20 Nam

Hình ảnh hiện tại của Solène. (Ảnh: Solène).

Cách đây 1 năm, Solène tới bệnh viện khám sau khi phát hiện cơ thể không ngừng tăng cân dù tập luyện thể thao nhiều. Bác sĩ kết luận, cô gái trẻ bị mắc hội chứng Cushing do vấn đề ở tuyến thượng thận.

Đây là một hội chứng có thể di truyền, Solène hy vọng mẹ của cô không mắc phải căn bệnh này. Nếu như mẹ mắc phải và di truyền sang, cô gái cũng không hề trách, bởi chắc chắn mẹ cũng không biết về hội chứng này.

Mùa hè năm ngoái, Solène phải trải qua ca phẫu thuật, sau đó duy trì dùng hormone trong 6-18 tháng. "Từ khi mắc bệnh, tôi thường cảm giác tủi thân. Tôi buồn không phải vì mẹ bỏ rơi mà luôn muốn biết mẹ là ai, tôi có anh chị em nào nữa không...", Solène chia sẻ với Dân Trí.

Tuy vậy, tình yêu thương mà bố mẹ nuôi dành cho Solène đã giúp cô phần nào khỏa lấp nỗi lòng. Mẹ nuôi luôn ước mong sinh con nhưng không thực hiện được, nên dồn hết tình thương cho Solène và chị gái cũng là con nuôi.

"Bố mẹ nuôi luôn dành cho tôi những gì tốt đẹp nhất, từ cách giáo dục, cho đến vật chất, không để thiếu thứ gì. Mẹ luôn ủng hộ và ở bên cạnh tôi bất cứ khi nào gặp khó khăn. Tôi thật sự trân trọng và biết ơn về những gì mà bố mẹ nuôi đã dành cho mình", Solène tâm sự.

Được biết, Solène đã tốt nghiệp ngành quản trị nhân lực. Sau khi nhận bằng đại học, cô dành thời gian 6 tháng du lịch qua nhiều nước châu Á, rồi trở về Pháp làm nhân viên văn phòng. Hiện nay, Solène đang trong quá trình điều trị nên cô tạm nghỉ việc, ở nhà.

Dẫu biết, hành trình tìm mẹ không hề đơn giản và nhanh chóng, song Solène đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng cho bản thân. Cô dự định sẽ về Việt Nam sau khi kết thúc quá trình điều trị để thực hiện niềm mong mỏi bấy lâu của mình.

Cho dù vì lý do gì đi chăng nữa khiến mẹ phải bỏ rơi con ở lại trạm y tế, Solène vẫn sẵn sàng tha thứ. Bởi, được đoàn tụ đã là hạnh phúc lớn trong đời và cũng không có gì sánh được tình mẫu tử thiêng liêng.

"Nếu có may mắn được đoàn tụ với mẹ ruột, tôi sẽ cảm ơn mẹ đã sinh ra mình. Cho dù lý do gì khiến mẹ phải bỏ rơi đi chăng nữa, tôi vẫn biết ơn mẹ đã giữ sự sống để con được sống trên cõi đời này", Solène chia sẻ.

Ai có thông tin hoặc biết mẹ của Solène Martel có thể gửi về email:

[email protected] hoặc số điện thoại kèm zalo

(0033)649893118. 

Ngoài ra, có thể liên hệ đến đường dây nóng báo điện tử Dân trí: 0973-567-567

 


© 2024 | Thời báo PHÁP



 

Related Articles

Liên hệ

logo thoibaophap trans white 160x65

Thời báo PHÁP

22-34 rue Jules Verne, Levallois-Perret

Paris 92300

Tìm bài